Bí thư Đà Nẵng kêu gọi doanh nghiệp vì một thành phố chuẩn mực toàn cầu

(PLO) - Chiều 8/3, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức “Tọa đàm mùa Xuân 2018” với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân đóng trên địa bàn TP. Đà Nẵng. 
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói chuyện với doanh nghiệp Đà Nẵng tại Diễn đàn Tọa đàm mùa Xuân 2018
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói chuyện với doanh nghiệp Đà Nẵng tại Diễn đàn Tọa đàm mùa Xuân 2018

Diễn đàn để lãnh đạo cấp cao TP. Đà Nẵng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhằm lắng nghe và trao đổi những đề xuất, hiến kế, làm cở sở cho những định hướng và quyết sách mới, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội cho thành phố trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tại các buổi gặp mặt, lãnh đạo thành phố thông tin tình hình phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng năm 2017; báo cáo việc giải quyết các kiến nghị của các hội, hiệp hội doanh nghiệp. Theo đó, năm 2017, TP. Đà Nẵng gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế và xã hội.

Đặc biệt trong đó, các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố như du lịch, thương mại, công nghệ thông tin… đã đạt được những mức tăng trưởng đáng khích lệ; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đi vào ổn định và từng bước nâng cao năng suất.

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Đà Nẵng đã đón gần 300.000 lượt du khách đến tham quan, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế đạt trên 130.000 lượt, tăng gần 28% so với năm 2017. 

Tọa đàm mùa Xuân 2018 thu hút hơn 500 doanh nghiệp trên địa bàn
Tọa đàm mùa Xuân 2018 thu hút hơn 500 doanh nghiệp trên địa bàn 

Tuy nhiên, theo ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thành phố cũng đang đối mặt nhiều thách thức, khó khăn. Bản thân Bí thư cũng cảm nhận được những trăn trở, suy tư của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về bước đi sắp tới của thành phố. 

“Nhiều năm liền Đà Nẵng đứng vào nhóm đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính… nhưng vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về tổ chức bộ máy, là nguyên nhân của những trì trệ, ách tắc trong xử lý các thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và cả niềm tin của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp...”, Bí thư nói 

Tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp bày tỏ về các nhóm vấn đề tồn tại chính đối với môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố như: Cơ sở tầng các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt dự án đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong khu vực sản xuất công nghiệp do dịch chuyển cơ cấu kinh tế và cạnh tranh từ các địa phương lân cận; cơ sở hạ tầng giao thông, cụ thể hệ thống giao thông công cộng chưa được đầu tư và triển khai hiệu quả để đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị và các vùng công nghiệp; cần tăng tính cạnh tranh đối với các chính sách ưu đãi đầu tư của Đà Nẵng để thu hút các nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, thuế và hải quan…

Đà Nẵng cam kết cải thiện đầu tư, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Đà Nẵng cam kết cải thiện đầu tư, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất liên quan về phát triển thành phố liên quan đến phát triển các cụm công nghiệp chuyên sâu để tạo lợi thế so sánh cạnh tranh cho Đà Nẵng trong khu vực, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao..

Tại Diễn đàn, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhấn mạnh thêm về quy hoạch tổng thể xã hội và quy hoạch đô thị. Theo ông, chính quyền cần có định hướng “dài hơi” cho các KCN để nhà đầu tư yên tâm sản xuất. Những ngành nghề không phù hợp, ảnh hưởng môi trường sống người dân, Đà Nẵng cần mạnh tay ngay từ đầu, tránh tình trạng “đã rồi” mới xử lý. Khi đó, doanh nghiệp vừa thiệt hại đầu tư, thành phố mất uy tín... Về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP. Đà Nẵng cần hướng đến năm 2035, tầm nhìn 2050.

Ghi nhận những ý kiến của đóng góp của doanh nghiệp, ông Nghĩa đánh giá cao những kiến nghị, hiến kế, đề xuất. Trong số này, 5 nhóm vấn đề quan trọng, mang tầm tư duy chiến lược liên quan đến sự phát triển bền vững và lâu dài của thành phố được Bí thư đúc kết gồm: quy hoạch; kết nối phát triển; môi trường đầu tư, kinh doanh; môi trường sống, an sinh xã hội và tổ chức bộ máy quản lý của chính quyền thành phố…

“Như cha ông ta đã nói “Dân cường thì nước thịnh”. Một thành phố không thể phát triển giàu đẹp nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. Chính vì vậy, Đà Nẵng luôn xác định thành công của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển của thành phố. Một lần nữa, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; luôn đồng hành, sát cánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, tạo nên sản phẩm chứa đựng hàm lượng chất xám và tạo giá trị gia tăng cao.

Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ trở thành những người định hình nên diện mạo đô thị và nền kinh tế Đà Nẵng trong những năm đến, trở thành động lực quan trọng thực hiện ước mơ và khát vọng phồn vinh của người dân Đà Nẵng. Chúng ta hãy cùng đồng sức, đồng lòng vì một “Đà Nẵng với chuẩn mực toàn cầu, thân thiện và tiên phong”, Bí thư nêu cao tinh thần.

Đọc thêm