Bổ sung trạm bơm nước thô cho ba địa phương Đồng bằng sông Cửu Long

(PLVN) - Chính phủ vừa phê duyệt bổ sung trạm bơm nước thô để cung cấp nước cho ba địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Tiền Giang, Long An và Bến Tre với công suất đến năm 2025 là 300.00 m3/ngày đêm, sau năm 2025 là 600.000 m3/ngày đêm.
Bổ sung trạm bơm nước thô cho ba địa phương Đồng bằng sông Cửu Long

Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quyết định đã phê duyệt: Điều chỉnh Vùng I (Bắc sông Tiền) và Vùng II (giữa sông Tiền và sông Hậu) thành một vùng Đông Bắc sông Hậu bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Bổ sung trạm bơm nước thô tại khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang với công suất đến năm 2025 là 300.00 m3/ngày đêm, sau năm 2025 là 600.000 m3/ngày đêm.

Điều chỉnh vùng cấp nước, vị trí, số lượng nhà máy vùng ĐBSCL (Ảnh: Ấp Bắc)
Điều chỉnh vùng cấp nước, vị trí, số lượng nhà máy vùng ĐBSCL (Ảnh: Ấp Bắc)  

Bên cạnh đó, quyết định cũng thực hiện điều chỉnh mạng lưới đường ống cấp nước và trạm bơm tăng áp. Cụ thể, điều chỉnh hướng tuyến truyền tải nước sạch của Nhà máy sông Tiền 1, trong giai đoạn trước mắt 2020 – 2025 thành tuyến ống truyền tải nước thô cấp cho tỉnh Tiền Giang, một phần tỉnh Long An và tuyến ống truyền tải nước thô qua sông Tiền cấp cho tỉnh Bến Tre. Điều chỉnh vị trí trạm bơm tăng áp phù hợp với vị trí lắp đặt các tuyến ống truyền tải nước thô gồm: Trạm bơm tăng áp ST1.1 đặt tại Thị xã Cai Lậy dịch chuyển theo tuyến ống truyền tải đặt dọc Đường tỉnh 864 (Tiền Giang) và trạm bơm tăng áp ST1.2 đặt tại thành phố Mỹ Tho trong phạm vi Nhà máy nước Đồng Tâm (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương rà soát, kiểm tra và điều chỉnh các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn các tỉnh phù hợp, đảm bảo tiết kiệm kinh phí; tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong vùng rà soát các dự án đầu tư nhà máy nước, phát triển cấp nước; từng bước hạn chế khai thác nước ngầm, thay thế bằng nguồn nước mặt để hạn chế sụt lún đất, ô nhiễm chất lượng nước ngầm.

Được biết, đây là dự án được Công ty cổ phần đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) đề xuất với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.095 tỉ đồng, để cung cấp nước cho ba địa phương ĐBSCL là Tiền Giang, Long An và Bến Tre. Trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 30% và 70% còn lại là vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre trước đó, đại diện DNP Water cho biết, dự án sẽ sử dụng nước mặt sông Tiền (trạm bơm đặt tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và bán buôn nước thô thông qua đồng hồ tổng cho các nhà máy nước hiện hữu và tương lại dọc tuyến ống truyền tải khu vực thuộc 3 địa phương của ĐBSCL, gồm Tiền Giang, Long An và Bến Tre.

Hiện tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng ĐBSCL đạt khoảng 1,32 triệu m3/ngày (Ảnh minh họa)
Hiện tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng ĐBSCL đạt khoảng 1,32 triệu m3/ngày (Ảnh minh họa)  

Về giá bán nước thô, DNP Water đề xuất, giá nước thô khởi điểm năm 2021 (năm dự kiến đưa dự án vào vận hành giai đoạn 1) là 3.000 đồng/m3 và được duy trì ổn định (không thay đổi) trong suốt cả năm. Giá bán nước thô được điều chỉnh tăng 5%/năm. Với giá bán nước thô được DNP Water đề xuất như nêu trên, dự kiến giá bán lẻ nước sạch ở tỉnh Bến Tre sẽ tăng thêm 2.250 đồng/m3, lên mức 11.850 đồng/m3. Trong khi đó, giá bán lẻ ở tỉnh Long An và Tiền Giang cùng tăng thêm 1.500 đồng/m3, lên mức 10.200 đồng/m3 ở tỉnh Tiền Giang và 9.790 đồng/m3 ở tỉnh Long An.

Dự án này đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất; khắc phục tình trạng nước nhiễn mặn; thay thế nguồn nước ngầm đang suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức tại ĐBSCL.

Đọc thêm