Cần cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

(PLVN) - Đó là một trong những nội dung được ông Trần Thanh Tuấn - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) góp ý khi đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Ông Trần Thanh Tuấn - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) góp vào dự thảo văn kiện.
Ông Trần Thanh Tuấn - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) góp vào dự thảo văn kiện.

Đóng góp vào dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, ông Trần Thanh Tuấn cho biết, tại phần Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng (mục 2.2) có nêu: “Đổi mới và triển khai đồng bộ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.

Ông Tuấn cho rằng, thay vì cách làm “đại trà” trong việc học tập Bác thì chỉ nên tập trung vào các chức danh chủ chốt các cấp, các ngành như: Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng, phó các cấp, các ngành...

Khi tập trung chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới đội ngũ cán bộ chủ chốt, thì Ban chỉ đạo cấp trên trực tiếp có thể đặt hòm thư góp ý để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và cán bộ, đảng viên về việc rèn luyện của cán bộ lãnh đạo cấp dưới. Định kỳ thời gian tổng hợp những ý kiến đóng góp để kiểm tra, chấn chỉnh, điều chỉnh cán bộ...

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, ông Tuấn cho rằng, trong nội dung này có nhiều chủ trương, nhiệm vụ mới thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng nhưng lại rất ít các giải pháp tương ứng cho các nhiệm vụ được đặt ra.

Cụ thể, tại Mục 2.6 có nội dung: “Tạo môi trường, điều kiện khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đột phá vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm có hệ thống, vì nhóm lợi ích, động cơ vụ lợi”.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn thì ai bảo vệ và bảo vệ như thế nào đối với người có tâm huyết dám nghĩ, dám làm chưa được làm rõ. Dự thảo cần nêu định hướng của giải pháp để thực hiện chủ trương, nhiệm vụ này như thế nào?

Ví dụ: Người có tâm huyết dám nghĩ và quyết tâm làm công việc nào đó thì có thể trực tiếp báo cáo cấp trên, nếu cấp trên đồng ý thì phải có cơ chế bảo vệ trong quá trình làm; người quyết định cho làm sẽ cùng chịu trách nhiệm nếu việc làm đó có động cơ vụ lợi, “lợi ích nhóm”...

Đối với nội dung chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và kiểm soát quyền lực, ông Tuấn đề nghị Trung ương nghiên cứu áp dụng cách thức sau: Trước mỗi kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nên tiến hành chất vấn một số Ủy viên Trung ương về những vấn đề có dư luận đặt ra hoặc có một số nhiệm vụ trì trệ, chậm khắc phục...

Sau phiên chất vấn, Bộ Chính trị hoàn thiện báo cáo trình Hội nghị Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương lên kế hoạch kiểm tra khi thấy có dấu hiệu vi phạm... Trước khi chất vấn, Bộ Chính trị nghe Ủy ban MTTQ báo cáo phản ánh những bức xúc của nhân dân và báo chí những vấn đề có liên quan trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đọc thêm