Cần Thơ: Giải “bài toán” sinh kế trong điều kiện biến đổi khí hậu

(PLO) - Hôm qua (18/10) Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP tổ chức hội thảo Đa dạng sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cần Thơ: Giải “bài toán” sinh kế trong điều kiện biến đổi khí hậu

Thất nghệ hay là bá nghệ?

Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ cho biết, ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nhất thế giới. Những hiện tượng như khô hạn, xâm nhập mặn, lũ lụt, lũ chậm cũng ảnh hưởng đến sinh kế của bà con. Cần có biện pháp để giúp bà con nông dân đa dạng các công việc, thích nghi, sống tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hội thảo giới thiệu các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, để có điều kiện sản xuất tốt, nâng cao thu nhập cho người dân ứng với biến đổi khí hậu. 

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, biến đổi khí hậu không chỉ tác động về nông nghiệp mà tác động đến mọi mặt đời sống: môi trường, sức khỏe, xã hội, chính trị, hạ tầng,… biến đổi khí hậu làm cho diện tích canh tác và năng suất giảm, an ninh lương thực bị đe dọa, nghèo đói dịch bệnh gia tăng, nguồn nước sinh hoạt bị khan hiếm và chi phí cao làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống.

Để khắc phục tình trạng trên, bà con nông dân cần phải quan tâm thực hiện các mô hình đa dạng sinh kế. Theo ông Tuấn, bà con nông dân ĐBSCL cần học tập và thực hành nhiều loại hình sản xuất, mưu sinh – kiếm sống và xây dựng khả năng hỗ trợ xã hội để tồn tại, cải thiện đời sống và tăng thu nhập trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Từ xưa đến nay đã truyền miệng nhau câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng theo ông Tuấn, trong điều kiện biến đổi khí hậu bà con cần phải phân tán làm nhiều nghề, nhiều loại hình sản xuất, xen canh, luân canh để tăng năng suất, tăng thu nhập, tạo thế an toàn trong chăm lo sinh kế. Đồng thời, trong canh tác cần chú ý, tập trung canh tác nhiều tầng, phối hợp nhiều loại hình lĩnh vực, trồng trọt và chăn nuôi, tạo thêm công ăn việc làm và nguồn lương thực thực phẩm. 

Thu nhập từ phế thải phẩm

Đó là tên mô hình được PGS.TS Trần Thị Ba, Đại học Cần Thơ chia sẻ tại hội thảo. TS. Ba cho biết, kỹ thuật trồng rau không cần đất là trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít sâu bệnh phát triển và không có kim loại nặng trong sản phẩm. Đồng thời, giá thành của những loài rau, cây trồng sạch cao hơn rất nhiều lần so với bình thường. Từ đó giúp các hộ dân cải thiên sinh kế, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, Để thực hiện mô hình này rất đơn giản, có thể thực hiện ở trên sân thượng và các khoảng sân trống.

Mô hình này đã được các nhà khoa học tính toán và chủ động hoàn toàn trong việc điều tiết, cung cấp cân đối, đầy đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng nên cây trồng luôn an toàn, đạt năng suất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Đọc thêm