Câu hỏi khó không riêng ở Quảng Ninh

(PLO) - Đất nước chúng ta đang ở trong nghịch lý của bảo tồn và phát triển. Câu chuyện bán đảo Sơn Trà vừa lắng xuống thì nay trái tim của những người quan tâm đến các giá trị phi vật thể đang dồn về Quảng Ninh.
Khu vực khai thác đá trên Vịnh Hạ Long (Ảnh VnExpress)
Khu vực khai thác đá trên Vịnh Hạ Long (Ảnh VnExpress)

Theo đó, Cục Di sản văn hoá, Bộ VH-TT&DL đã gửi Công văn đến Sở VH-TT Quảng Ninh yêu cầu kiểm tra hoạt động khai thác đá trên vịnh Hạ Long. Văn bản do Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng ký, nêu rõ: “Thời gian qua, báo chí đã phản ánh việc một số núi đá vôi bị khai thác trái phép tại phường Hà Tu, TP Hạ Long và phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả để lấy làm hiện vật xây dựng, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường vịnh Hạ Long. Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra tình hình thực tế và sớm báo cáo về Bộ trước ngày 30/6”.

Trước đó, có thông tin một số núi đá của vịnh Hạ Long bị khai thác đá làm vật liệu xây dựng làm “nóng” dư luận. 

Quảng Ninh là một trong 3 tỉnh thuộc “cực tăng trưởng” Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh có đầy đủ thế mạnh để phát triển thành tỉnh giàu mạnh để “gánh đỡ” cho Trung ương khi phải nuôi “đàn con” 63 tỉnh, thành phố. Khoáng sản, nhất là than đang dần hết và sẽ hết. Có hai tiềm năng Quảng Ninh biết khai thác, mãi còn đó là du lịch và kinh tế hàng hải. Bởi hơn đâu hết, Quảng Ninh được thiên tạo dành cho mình Di sản vịnh Hạ Long và luồng lạch nước sâu.

Đáng tiếc, vịnh Hạ Long – cảnh quan thiên nhiên được UNESCO 2 lần vinh danh là Di sản cũng đang đứng trước thách thức “bảo tồn và phát triển”.

Một thời gian dài, các địa phương trong cả nước “sốt sình sịch” về “chuyển dịch cơ cấu kinh tế” và gần như “rập khuôn nhau”, tỉnh, thành phố nào cũng xác định công nghiệp hàng đầu, tỷ trọng cứ phải tăng. “Hội chứng” lấp ruộng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp rầm rầm trong cả nước và nô nức “trải thảm đỏ”. Nhiều hậu quả, hệ lụy của phong trào “chuyển dịch” này hiện nay và còn lâu dài mới khắc phục xong. Đơn giản nhất là nợ xây dựng cơ bản, khu công nghiệp thành hoang hóa, công nghệ bẩn “nô nức” vào Việt Nam.

Trở lại với Quảng Ninh, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV xác định cơ cấu kinh tế của địa phương là “dịch vụ, công nghiệp, trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực”, tuy nhiên làm như thế nào nhằm đạt được mục tiêu “các khu danh thắng, di tích lịch sử được bảo tồn và phát huy bền vững” là vấn đề không phải dễ nếu không có tầm nhìn và lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ chi phối.

Về kinh tế hàng hải, đã có chuyên gia đánh giá, với việc đầu tư, xây dựng lộn lộn như hiện nay, luồng Hòn Một – Cái Lân không xa sẽ bị bồi lấp, khi đó cảng Cái Lân – một trong những cảng biển quan trọng ở khu Đông Bắc rất khó để khai thác. 

Bảo tồn và phát triển luôn là câu hỏi khó trả lời hiện nay, không riêng ở Quảng Ninh.

Đọc thêm