Chùa Đìa Muồng - nơi lưu giữ nét văn hoá độc đáo Khmer

(PLVN) -  “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt” – là câu nói của người dân Khmer, bởi vì họ tin rằng việc đi chùa lễ Phật sẽ làm cho tâm hồn được thư thái. Những ngôi chùa của người Khmer không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi thể hiện đậm nét văn hóa của người Khmer.

Nhắc tới các ngôi chùa của người dân Khmer tỉnh Bạc Liêu, không thể nào không nhắc đến ngôi chùa Sê-Rây Vong-Sa Chey-Ya-Ram (hay còn gọi là chùa Đìa Muồng) toạ lạc trên khu đất rộng 16.760mthuộc ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Được xây dựng từ năm 1956, ngôi chùa đượcngười dân nơi đây coi như một chứng nhân lịch sử chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của quê hương, đất nước.

Chùa Đìa Muồng.
Chùa Đìa Muồng.

Chùa Đìa Muồng là công trình kiến trúc, điêu khắc độc đáo mang dấu ấn của phật giáo Nam Tông. Các nghệ nhân tài hoa đã lấy nét văn hóa tín ngưỡng dân gian để thả hồn vào từng bức phù điêu, đắp nổi hình chim thần Krud nâng đỡ mái chùa, đầu thần Bayon bốn mặt, rắn Naga,... Chánh điện xây theo hướng Đông - Tây với quan niệm Đức Phật luôn ngự ở phía Tây nhìn về hướng Đông ban phúc lộc, cứu độ chúng sinh. Giữa Chánh điện là bệ thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trên một toà sen chia thành nhiều cấp.

Năm 1957 các vị trong Ban quản trị chùa đã thỉnh Tỳ kheo Danh Muoth từ chùa Chác Băng (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) về làm đại đức tăng trưởng. Từ năm 1960 đến năm 1964, Hòa thượng Tăng Nê phân công Đại đức Lâm Nuool đến đảm nhận chức trách trụ trì. Từ năm 1965 đến 1975 chùa do Đại đức Danh Xiêm trụ trì. Từ năm 1975 đến nay, chùa do Hòa thượng Lý Sa Muoth đảm nhiệm trụ trì.

Trong những năm tháng kháng chiến xuyên suốt từ năm 1959 đến năm 1975, Chùa Đìa Muồng còn là nơi hoạt động cách mạng do các đại đức trực tiếp hay gián tiếp hoạt động, vận động phật tử trong vùng tham gia hoạt động cách mạng, nơi nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ cách mạng các cấp, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Kiến trúc độc đáo tại Chùa Đìa Muồng
Kiến trúc độc đáo tại Chùa Đìa Muồng 

Cùng với sinh hoạt tôn giáo, những ngày thường, Chùa là nơi để thế hệ trẻ học tiếng dân tộc, giữ cho ngôn ngữ Khmer đang có nguy cơ mai một dần. Còn những dịp lễ truyền thống của người dân Khmer: Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền, Lễ hội Sen Đôn Ta, Lễ hội Dâng Y Kathinat,… và trong dịp mừng xuân, mừng năm mới trong khí thế vui tươi chung của cả nước, Chùa Đìa Muồng diễn ra rất nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo thu hút đông đảo các phật tử, du khách gần xa đến dâng lễ, thắp hương. Những ngày này Chùa Đìa Muồng luôn nghi ngút khói hương của những người cúng bái, xôn xao những câu thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ tại nơi cửa Phật từ bi.

Hơn 60 năm tồn tại, Chùa Đìa Muồng luôn là điểm tựa tâm linh của đồng bào phật tử gần xa. Chùa Đìa Muồng không chỉ là điểm công trình kiến trúc nổi bật, mà còn có trọng trách lưu giữ nét văn hóa của người dân Khmer và những giá trị lịch sử của dân tộc qua các thời kỳ.

Đọc thêm