Chuyển biến tích cực.công tác ban hành văn bản QPPL tại Vĩnh Phúc

(PLO) - Kể từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND năm 2004 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn được ban hành cho đến khi Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2015, công tác ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực.
Chuyển biến tích cực.công tác ban hành văn bản QPPL tại Vĩnh Phúc

Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham mưu thực hiện các nội dung nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh. Với các kết quả nổi bật: 

Trong hoạt động tham gia, góp ý, thẩm định dự thảo văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, trong đó có việc thực hiện đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, khảo sát, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản, đánh giá tác động của chính sách,… Thực hiện góp ý vào dự thảo văn bản QPPL và thẩm định đối với các dự thảo văn bản QPPL của tỉnh được thực hiện tốt.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 30/7/2017, Sở Tư pháp đã tham gia góp ý đối với 686 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và dự thảo văn bản QPPL của địa phương, thẩm định 523 dự thảo văn bản QPPL của tỉnh. Nhìn chung, công tác thẩm định văn bản QPPL đảm bảo tiến độ và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn. Đối với các văn bản có chứa thủ tục hành chính, Sở đã giúp UBND chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ quan soạn thảo lấy ý kiến tham gia, đánh giá tác động của thủ tục hành chính.

Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn bản QPPL đã được các cơ quan soạn thảo quan tâm và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, với nhiều hình thức. Các ý kiến tham gia vào dự thảo văn bản QPPL của Sở Tư pháp đều được cơ quan soạn thảo văn bản tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo. Sở Tư pháp đã phát hiện và kịp thời kiến nghị không ban hành những văn bản không thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh, hoặc những văn bản xét thấy không khả thi, không cần thiết, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của tỉnh, từ năm 2011 đến 30/7/2017, đã kiểm tra 298 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành (gồm 275 quyết định và 23 chỉ thị); 62 văn bản QPPL do HĐND và UBND cấp huyện ban hành. Qua thực hiện tự kiểm tra các văn bản QPPL của UBND tỉnh và kiểm tra văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện ban hành cho thấy: Hầu hết các văn bản QPPL được ban hành đảm bảo về thẩm quyền, hình thức ban hành, nội dung văn bản hợp hiến, hợp pháp, trình tự thủ tục ban hành văn bản, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL luôn được quan tâm, thực hiện kịp thời. Bên cạnh đó, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các Ban của HĐND tỉnh rà soát các Nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm phát hiện những bất cập cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, giúp các văn bản QPPL đi vào cuộc sống, phát huy được vai trò quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực.

Qua kết quả rà soát cho thấy, chất lượng văn bản QPPL của tỉnh được nâng lên một bước đáng kể. Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, minh bạch của văn bản đã được đảm bảo hơn. Hầu hết các văn bản đều được ban hành đúng thẩm quyền. Thể thức, kỹ thuật trình bày về cơ bản phù hợp. Hệ thống văn bản đã cơ bản điều chỉnh kịp thời hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, đảm bảo thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Sau một năm triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai thi hành Luật nhằm đưa hoạt động này phục vụ cho việc xây dựng và thi hành pháp luật được hiệu quả, trong đó giao rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị về triển khai thi hành Luật trong phạm vi ngành, đơn vị, địa phương mình đặc biệt là yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình mới, yêu cầu mới trong ban hành văn bản QPPL…

Có thể khẳng định rằng với những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 

Đọc thêm