Chuyện tình anh thợ may câm điếc ở miền núi Thanh Hóa

(PLVN) - Anh Trần Thanh Hải (SN 1980, ngụ khu Vần Trong, Yên Thắng, Lang Chánh, Thanh Hóa) bị khuyết tật cả nghe và nói nhưng là một thợ may có tiếng ở địa phương. Ngoài tay nghề may khéo léo, anh còn “nổi tiếng” bởi chuyện tình xúc động với người vợ đã gắn bó hơn 10 năm.
Anh Hải là thợ may có tiếng tại địa phương.
Anh Hải là thợ may có tiếng tại địa phương.

Anh Hải sinh ra trong gia đình 5 anh chị em khỏe mạnh, nhưng cơn sốt năm 2 tuổi đã lấy đi tiếng nói và khả năng nghe của cậu bé Hải. Nhớ lại bệnh tình của con, bà Khương Thị Thực, mẹ anh Hải, kể: Gia đình khó khăn lại sống ở huyện miền núi nghèo,công ăn việc làm không có, chỉ nhờ vào mấy luống rau sống qua ngày. Năm đó là mùa đông rét lạnh, Hải bị sốt và co giật. Sau nhiều ngày theo dõi, bác sĩ kết luận Hải bị ảnh hưởng của dây thần kinh số 6 và dần dần không thể nói và nghe được. Gia đình đã cố gắng hết sức chạy chữa và điều trị ở nhiều nơi nhưng kết quả không thay đổi.

Hải rất thích đi học nhưng những ngôi trường bình thường không dám tiếp nhận học trò khuyết tật. Nhìn con, người mẹ lại nuốt nước mắt vào trong lòng khi thấy những đứa trẻ xung quanh cắp sách tới trường. Hải bắt đầu “học vẹt” mọi người, nhìn khẩu hình đoán nội dung mọi người nói. Đặc biêt khi anh xin bố mẹ học nghề may, ai cũng ngạc nhiên ngăn cản nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi. Sau thời gian học nghề Hải về mở tiệm may tại nhà.

Anh Hải tâm sự, lúc đó anh chưa bao giờ dám mơ đến hạnh phúc cho riêng mình, cũng chưa có một người bạn thân để tâm sự. Anh chỉ tập trung làm việc với mong muốn cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng lương duyên đã đưa anh đến với người bạn đời là chị Lò Thị Phương.

Chị Phương cho hay: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo được hưởng trợ cấp của xã hội, lại là người dân tộc ở xã vùng sâu. Chúng tôi muốn theo học cấp 3 thì phải xuống huyện, cách nhà 40 cây, đường sá đi lại khó khăn nên phải ở trọ cuối tuần mới về. Năm đó là năm 2007, tôi có một người em ở trọ nhà anh Hải. Một lần anh có việc đến nhà em tôi và gặp tôi lần đầu tiên. Lúc đầu tôi đã thấy thương và cảm thông với hoàn cảnh anh. Anh viết giấy cho tôi với những nét chữ mềm mại và rõ ràng, về sau giấy bút cũng là phương tiện chèo lái tình yêu của chúng tôi đến cuộc hôn nhân hôm nay”.

Gia đình hạnh phúc của anh Hải, chị Phương.
Gia đình hạnh phúc của anh Hải, chị Phương.

Vợ chồng anh đã bên nhau được 11 năm, có 2 người con. Cuộc sống xung quanh vấp phải bao khó khăn rào cản từ dư luận. Một số người dè bỉu cho rằng những người khuyết tật như anh Hải chỉ là gánh nặng cho gia đình nên ngăn cản chị Phương. Đã có không ít lời gièm pha cay nghiệt như “lấy về thì chỉ khổ cho thân, trên đời thiếu người hay sao lại lấy người như vậy”. Để tránh những ánh mắt soi mói tổn thương, vợ chồng anh Hải đã phải chuyển nhà đến 8 lần mới có chỗ ở ổn  định.

Tuy vất vả nhưng suốt 11 năm chung sống, vợ anh chưa bao giờ hối hận về người bạn đời của mình. Chị chia sẻ: Anh Hải không nghe, nói được bình thường nên vợ chồng cũng khó tâm sự tình cảm và suy nghĩ của mình như những cặp vợ chồng khác, đều phải thông qua giấy bút. Nhưng sau tất cả, chị lại tìm thấy nguồn động viên vượt qua khó khăn khi bên cạnh luôn có anh, một người chồng, người cha thương vợ con vô điều kiện.

Chị Phương và hai đứa trẻ cũng là nguồn sống mạnh mẽ của anh Hải. Ngoài công việc may ở nhà, cuối tuần anh lại cặm cụi mang hàng lên chợ bán. Nhìn nụ cười của vợ con, anh lại tự nhủ phải sống mạnh mẽ, cố gắng nhiều hơn nữa vì hạnh phúc gia đình. Hai vợ chồng cùng chung tâm nguyện: “Cho dù phía trước còn bao nhiêu chông gai, thử thách, chúng tôi cũng sẽ quyết tâm vượt qua và chiến thắng tất cả”.

Đọc thêm