Công an Ninh Bình khuyến cáo người dân không nên tham gia huy động vốn với lãi suất cao bất thường

(PLVN) - Nhằm tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống loại tội phạm này.
Người dân không nên tham gia huy động vốn với lãi suất cao bất thường.
Người dân không nên tham gia huy động vốn với lãi suất cao bất thường.

Theo cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Ninh Bình, trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan Nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm quen biết, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, "chạy" dự án, vay vốn; khuyến mại, bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kêu gọi đầu tư, tài trợ; kinh doanh đa cấp, tiền ảo; hack tài khoản mạng xã hội để lợi dụng danh nghĩa lừa đảo.

Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, Công an các huyện, thành phố tập trung phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. 

Thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm và hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn. 

Đồng thời, phân công lực lượng tích cực nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lực lượng Công an đã tiến hành các đợt cao điểm ra quân, tấn công trấn áp các loại tội phạm và tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi, vụ việc lừa đảo được phát hiện và triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Phối hợp kiểm tra điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, điện tử. 

Nhằm góp phần răn đe, phòng ngừa chung tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lực lượng Công an đã phối hợp với các cơ quan Tư pháp tiến hành truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. 

Rà soát, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ đó tham mưu, kiến nghị với tỉnh và các cơ quan chức năng khắc phục kịp thời. 

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, trong đó chú trọng phát động mạnh mẽ phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", khuyến khích quần chúng nhân dân tích cực phát hiện, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cơ quan chức năng. 

Phối hợp với hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh và các đơn vị có liên quan thiết lập đường dây nóng, cơ chế phản ứng nhanh để kịp thời ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác và điều tra, xử lý tội phạm. 

Hiện nay đang là thời điểm cuối năm, vì nhiều lý do liên quan đến kinh tế như nợ nần, kinh doanh thua lỗ... theo dự báo của lực lượng Công an, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ có nguy cơ gia tăng với tính chất liều lĩnh và tinh vi. Do đó, cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, tỉnh táo, không nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng cũng như tiết lộ các thông tin cá nhân; chủ động tìm hiểu, trau dồi kiến thức về pháp luật, không tham gia các hình thức huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường.

Đọc thêm