ĐBSCL triển khai chống hạn mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả

(PLVN) - Ngày 17/9, Bộ Nông nghiệp và phát triển  nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị “Triển khai giải pháp phòng chống hạn mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2020 - 2021”. 
Vùng trồng cây ăn quả của ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề của tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020. Ảnh minh hoạ: iasvn.org
Vùng trồng cây ăn quả của ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề của tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020. Ảnh minh hoạ: iasvn.org

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra thực trạng tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 diễn ra khốc liệt trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức nghiêm trọng nhất lịch sử và khác với quy luật nhiều năm như xuất hiện sớm hơn, xâm nhập sâu hơn, cường độ mặn cao hơn và thời gian kéo dài hơn cả đợt xâm nhập mặn năm 2016. Theo dự báo tình hình mùa khô năm 2020-2021 có khả năng tương đương mùa khô năm 2015-2016, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL.

Tổng cục Thuỷ lợi nhận định tình hình nguồn nước cung cấp cho mùa khô 2020 - 2021 dự báo tiếp tục là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ. Trước đó, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia đã có bản tin ngày 14/8/2020, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ vẫn sẽ cao nhưng nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019- 2020.

Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt đã đưa ra giải pháp nhằm phòng chống hạn, mặn cây ăn quả vùng ĐBSCL mùa khô 2020-2021 và những năm tiếp theo. Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, Cục Trồng trọt còn đưa ra các giải pháp lâu dài ứng phó phù hợp với từng giai đoạn.

Theo đó, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đề xuất các giải pháp phòng chống hạn mặn trong những năm tới tương ứng với Cục Trồng trọt tuy nhiên nhấn mạnh đến việc chọn giống cây chịu hạn mặn cao, vùng trồng và kỹ thuật chăm sóc phù hợp.

Các đại biểu chia sẻ giải pháp đối phó với tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa kho 2019-2020 tại Hội nghị.
 Các đại biểu chia sẻ giải pháp đối phó với tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa kho 2019-2020 tại Hội nghị.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Cục Bảo vệ thực vật đã báo cáo tình hình chung của việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đối với từng thị trường khác nhau thì các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau nhưng tựu chung lại mục tiêu của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng.

Các quy định cụ thể về yêu cầu với vùng trồng được cấp mã số vùng trồng của các nước đã được đăng tải đầy đủ trên website của Cục Bảo vệ thực vật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Cục Bảo vệ thực vật xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về viêc thiết lập và giám sát vùng trồng phục vụ xuất khẩu, dự kiến sẽ trình ban hành trong năm 2020./.

Đọc thêm