Diện mạo mới của Đà Nẵng từ chương trình “5 Không, 3 Có và 4 An”

(PLVN) - Ngày 25/9, Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện các chương trình “5 Không”, “3 Có”, “4 An” gắn với thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU về văn hóa, văn minh đô thị. Chương trình đã góp phần từng bước thay da đổi thịt TP. Đà Nẵng, tạo ra một diện mạo mới Thành phố năng động, thân thiện, an bình.
Đà Nẵng nay trở thành địa chỉ được bạn bè trong và ngoài nước biết đến.
Đà Nẵng nay trở thành địa chỉ được bạn bè trong và ngoài nước biết đến.

Góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt thành phố

Từ năm 2000-2020, Đà Nẵng triển khai chương trình “5 Không” với các mục tiêu “Không có hộ đói”, “Không có người mù chữ’, “Không có người lang thang xin ăn”, “Không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng”, “Không có giết người để cướp của” đã để lại những dấu ấn sâu sắc mang tính đột phá trong quá trình phát triển. Sau 2 năm thực hiện, Đà Nẵng đã xóa hết 850 hộ đói, chuyển sang mục tiêu không có hộ đặc biệt nghèo, đã trợ giúp cho gần 6.000 hộ vươn lên thoát nghèo. 

Năm 2009, khi cơ bản xóa mù chữ, Đà Nẵng chuyển ssng mục tiêu “Không có học sinh bỏ học nửa chừng vì lý do kinh tế”. Mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” được Đà Nẵng duy trì thực hiện quyết liệt, xử lý triệt để.

Từ năm 2000-2020, Đà Nẵng tập trung xử lý hơn 4.400 trường hợp, phân loại giải quyết cho về gia đình, địa phương quản lý hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề 3.235 người. Đến nay, Đà Nẵng cơ bản không còn tình trạng người xin ăn, trở thành thương hiệu được du khách trong và ngoài nước biết đến.

Còn chương trình “Thành phố 3 Có” (thực hiện từ năm 2005-2020) với 3 mục tiêu “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị” là một bước tiến tiếp theo trên nền tảng kết quả Chương trình “5 Không”.

Thực hiện mục tiêu “Có nhà ở”, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư xây quỹ nhà ở xã hội, đưa vào sử dụng 10.836 căn hộ chung cư, nhà liền kề và ký túc xá tập trung phía Đông và phía Tây Đà Nẵng với 6.876 chỗ cho sinh viên; giải quyết 9.857 căn hộ cho các hộ gia đình chính sách, hộ thuộc diện giải tỏa, hộ nghèo, cán bộ - công chức - viên chức công tác lâu năm chưa có chỗ ở ổn định…

Mỗi năm, Đà Nẵng giải quyết việc làm bình quân cho 30.000 lao động, hạ tỷ lệ thất nghiệp từ 5,06% năm 2006 xuống còn 3,4% cuối năm 2019. Thực hiện đề án nếp sống văn minh đô thị, đến nay Đà Nẵng có 215 tuyến đường văn minh đô thị, 2.642 thôn/tổ không rác và 16 chợ đạt chuẩn văn minh đô thị. 

Chương trình “Thành phố 4 An” (thực hiện từ năm 2016-2020) với 4 mục tiêu “An ninh trật tự-An toàn giao thông-An toàn vệ sinh thực phẩm-An sinh xã hội” là sự kế thừa có chọn lọc, tổng hợp và phát triển các chương trình “Thành phố 5 Không và 3 Có”, đồng thời, bổ sung một số nội dung mới nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu mới phù hợp với điều kiện xã hội, thực tiễn phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn này. 

Tai nạn giao thông từ năm 2016 đến nay đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương, bình quân hằng năm giảm 11,6% về số vụ; 11,5% về số người chết và 18,4% về số người bị thương. Công tác thanh kiểm tra, kiểm soát, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm có chuyển biến tích cực. Thanh kiểm tra trên 61.000 lượt cơ sở, xử lý vi phạm gần 2.000 trường hợp, phạt tiền trên 6 tỷ đồng các hành vi vi phạm...

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phải tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong đó, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch rất khó khăn, sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan như gia tăng tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo; phát sinh các tệ nạn xã hội... Thêm vào đó, nhu cầu việc làm sẽ gay gắt hơn dưới tác động của quá trình chuyển đổi nền kinh tế số...”, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng bày tỏ. 

Để giải quyết các vấn đề xã hội, Đà Nẵng sẽ tiếp tục duy trì các mục tiêu, chương trình hiện có, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung, mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, về Chương trình 5 Không, “không có học sinh bỏ học” bổ sung thêm nội dung mục tiêu “không có học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường, bị đuối nước”; Không có giết người để cướp của bổ sung thêm nội dung mục tiêu “không có băng nhóm tội phạm bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê”.

Về Chương trình 3 Có, giữ nguyên Có việc làm, Có nhà ở, Có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Về chương trình 4 An, “An sinh xã hội” bổ sung thêm nội dung mục tiêu “Không xảy ra điểm nóng về môi trường”.

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 03/9/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, với các giải pháp đồng bộ, căn cơ; chủ động thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh; đặc biệt là thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp sau dịch bệnh.

“Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đà Nẵng là phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển và mọi người dân thành phố đều có quyền được hưởng cuộc sống tốt nhất.”, Phó Bí thư nhấn mạnh.

Cũng lời Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng, đây là những vấn đề khó khăn, phức tạp và thực hiện lâu dài, do đó, Phó Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân thành phố cùng thống nhất ý chí và hành động, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương xây dựng Thành phố “5 Không”, “3 Có”, “4 An” và xây dựng văn hóa, văn minh đô thị với các mục tiêu, nội dung cao hơn, phù hợp hơn với tình hình phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.

Qua đó, tạo cơ sở để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, là thành phố đáng sống theo định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đọc thêm