Đồng bằng sông Cửu Long: Tìm lời giải cho “bài toán” nhân lực ngành Y tế

(PLO) - Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 13 Trung tâm Pháp y thế nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành Pháp y, còn lại là các chuyên khoa khác.
ĐBSCL cần tiếp tục duy trì hệ liên thông thêm một thời gian nữa để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực y tế.
ĐBSCL cần tiếp tục duy trì hệ liên thông thêm một thời gian nữa để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực y tế.

Một trong những vấn đề được đặt ra tại “Hội nghị đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL năm 2017” do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB) phối hợp với Trường Đại học (ĐH) Y Dược TP Cần Thơ tổ chức là làm sao giải quyết “bài toán” thiếu nguồn nhân lực y tế ở tuyến cơ sở, nhất là ở các chuyên ngành hiếm của vùng.

“Đỏ mắt” tìm bác sĩ ngành hiếm

Hiện toàn vùng ĐBSCL có 92 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 14 bệnh viện đa khoa khu vực, 17 bệnh viện đa khoa tỉnh, 37 bệnh viện chuyên khoa, trong đó có 21 bệnh viện phục vụ cho 5 chuyên ngành hiếm như: Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi, BV Tâm thần, BV Da liễu. Khối Y học dự phòng có 135 trung tâm y tế huyện, 103 trung tâm y tế trực thuộc tỉnh, thành đều có trung tâm giám định pháp y – pháp y tâm thần. Nhưng toàn vùng chỉ có số 152 bác sĩ đang làm việc tại 5 chuyên ngành hiếm, đến năm 2020 có khoảng trên 50% số đó đến tuổi nghỉ hưu. 

Cụ thể, mặc dù 13 tỉnh, thành đều có 13 Trung tâm Pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành Pháp y còn lại là chuyên khoa khác. Cả vùng có 8 BV Lao và Bệnh phổi đi vào hoạt động từ lâu nhưng số bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh chỉ từ 1 đến 5 bác sĩ; riêng tỉnh Kiên Giang không có bác sĩ chuyên ngành lao. Có 5 tỉnh không có bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ cho khoa ung bướu BV tỉnh. 

Theo đánh giá, hiện nhu cầu đào tạo của 5 chuyên ngành hiếm gồm: Lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y của 13 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ trung bình khoảng 250 sinh viên/năm, trong đó ngành có nhu cầu cao là lao và ngành có nhu cầu thấp hơn là giải phẫu bệnh và pháp y. 

Theo Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, năm 2016 số bác sỹ, dược sỹ, cử nhân được bố trí việc làm, được cử đi học sau đại học là 99,2%, trong đó nhóm bác sỹ đa khoa, điều dưỡng, xét nghiệm có việc làm 100%, ngành bác sỹ đa khoa và dược là 99,3%, ngành thấp nhất là cử nhân y tế công cộng 81,3%. Đồng thời, tại các tỉnh, đào tạo theo địa chỉ sử dụng tuy nguồn nhân lực không lớn nhưng thật sự đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao cho tỉnh, đảm bảo cho các tuyến, cho các chuyên khoa đặc biệt ở các tuyến khó khăn, các chuyên khoa khó tuyển. 

Đại diện BCĐ TNB đánh giá cao những nỗ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thời gian qua, đặc biệt là các chuyên ngành hiếm, góp phần rất lớn cho sự phát triển của vùng; đề nghị trường nghiên cứu mở rộng thêm quy mô đào tạo cán bộ y tế cho vùng.

Nên duy trì đào tạo liên thông bác sĩ

Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, quan điểm của ngành y tế TP Cần Thơ ủng hộ tăng cường đào tạo liên thông, đáp ứng nguồn nhân lực y tế; nhất là các ngành hiếm cho các tỉnh, thành phố trong khu vực. Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ đề nghị, thời gian tới Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tăng chỉ tiêu đào tạo liên thông cho các tỉnh, để có nguồn nhân lực phân bổ cho tuyến cơ sở.

Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho hay, Kiên Giang có đặc thù y tế biển đảo, biên giới, hiện nay đặc biệt rất khó khăn, một số đảo người dân sống không nhiều, nhưng nhiều đảo người dân sống số đông. Hiện Kiên Giang có 3 xã đảo biên giới nhưng chỉ có 1 bác sĩ, như vậy không đảm bảo khám chữa bệnh ốm đau bình thường. Chuyển bệnh không được, xử lý tại chỗ cũng không ổn. 

Còn đại diện Sở Y tế Tiền Giang cho rằng, Tiền Giang sẽ rất khó gỡ tình trạng tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân, nếu như không có chương trình đào tạo liên thông của ĐH Y Dược Cần Thơ. Các trạm y tế đã tính tới chuyện nâng lên 2 bác sĩ/1 trạm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. “Nếu chúng ta không làm việc này thì người dân sẽ bỏ khám tuyến dưới chạy lên khám tuyến trên. Chúng ta phải tính toán làm sao có chính sách níu giữ chân các bác sĩ ở tuyến xã tránh tình trạng bỏ đi nơi khác”, vị đại diện Sở Y tế Tiền Giang cho biết. 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang cho rằng, hiện nguồn nhân lực của Hậu Giang đang có sự dịch chuyển từ tỉnh lẻ về thành phố, một số tỉnh, thành lớn có bệnh viện tư, chế độ thu hút chênh lệch khá cao. Vì vậy việc đào tạo theo địa chỉ và liên thông sẽ góp phần giảm tải và giải quyết được việc bác sĩ chạy đi nơi khác…

Với đề xuất giữ lại hệ đào tạo liên thông, Giám đốc Sở Y tế An Giang Từ Quốc Tuấn đánh giá, hệ đào tạo theo địa chỉ và liên thông đã phấn đấu chất lượng tương đương với hệ chính quy, đây là nguồn nhân lực chính của địa phương. Đề nghị BCĐ TNB tiếp tục duy trì hệ liên thông thêm một thời gian nữa sẽ giúp cho vùng giải quyết nguồn nhân lực y tế rất tốt. ĐBSCL là vùng đặc thù nếu không cho liên thông sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực trong thời gian tới. 

Giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Lình, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho rằng, hiện một số trường xét tuyển bác sĩ chỉ cần xét học bạ là xong, trong khi đó chúng ta đào tạo theo liên thông phải đạt 27 điểm, đào tạo theo tín chỉ đạt 22 điểm, như vậy chất lượng hơn các cơ sở đào tạo khác rất nhiều. “Qua các ý kiến của các địa phương, chúng tôi thống nhất tăng thêm chỉ tiêu đào tạo bác sĩ cho tuyến cơ sở. Một số địa phương đặc thù biển đảo như Sóc Trăng, Kiên Giang đề nghị có văn bản, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ sẽ họp nếu đủ cơ sở, đúng đối tượng đào tạo phục vụ cho biển đảo, cả hệ liên thông và theo địa chỉ. Chúng tôi cam kết chất lượng đào tạo luôn đảm bảo, học phí không tăng.” - ông Lình nói.

Đọc thêm