Du lịch Vĩnh Phúc lấy lại “sức bật” sau dịch Covid-19

(PLVN) - Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng sự nỗ lực của chính mình, các doanh nghiệp lữ hành tại tỉnh Vĩnh Phúc đang từng bước khôi phục hoạt động kinh doanh để lấy lại sức bật trong điều kiện “bình thường mới” hậu Covid-19.
Nhà thờ Đá tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc – nơi thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Nhà thờ Đá tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc – nơi thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch trên cả nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19. Thậm chí trong những tháng đầu năm, ngành du lịch gần như “đóng băng”, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành, kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí đồng loạt không có doanh thu.

Đặc biệt, sau đợt dịch lần thứ nhất các điểm, khu du lịch của tỉnh đã mở cửa trở lại với nhiều dịch vụ và chương trình khuyến mại hấp dẫn, thu hút lượng lớn khách nội địa, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và 02/9...

Tuy nhiên, chỉ vừa mới tái khởi động và phục hồi trở lại sau nhiều tháng hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh, hoạt động du lịch, lữ hành một lần nữa lao đao khi đợt dịch thứ hai tái xuất hiện tại Đà Nẵng.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành vừa trải qua giai đoạn khó khăn, nhen nhóm cơ hội khôi phục các dịch vụ đặt tour lại tiếp tục lâm vào khủng hoảng.

Tâm lý e ngại khiến nhiều khách du lịch hủy tour không chỉ tại những khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch. Ước tính, có đến 95 - 100% lượng khách hủy tour, hủy dịch vụ đặt trước tại các khách sạn và các công ty lữ hành trong hai tháng cao điểm du lịch nội địa (tháng 7 và tháng 8).

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó, một số đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế với thị trường khách du lịch đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo thống kê, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 9 tháng đầu năm đạt khoảng hơn 2.460 tỷ đồng, giảm trên 18% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu từ dịch vụ du lịch lữ hành đạt 56,6 tỷ đồng, giảm trên 27% so với cùng kỳ.

Trước những khó khăn của ngành du lịch, ngành Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động.

Theo đó, bên cạnh việc giãn, gia hạn thời hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp, từ đầu tháng 8/2020, ngành Thuế tỉnh tiếp tục thực hiện việc giảm 30% thuế TNDN theo tinh thần Nghị định 116 của Chính phủ. Đây là động thái tích cực, giúp các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh có thể quay vòng vốn, từng bước phục hồi hoạt động sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Cùng với các cơ chế, chính sách sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, các doanh nghiệp lữ hành cũng đang nỗ lực để phục hồi hoạt động kinh doanh thông qua việc áp dụng các chương trình khuyến mãi, các tour du lịch nội địa với giá ưu đãi, các gói combo dành cho nhiều đối tượng khách hàng khi đặt tour, tặng kèm số cân hành lý xách tay cho khách du lịch khi lên máy bay, bố trí xe đưa đón khách miễn phí tại sân bay...

Trong điều kiện “bình thường mới”, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về thuế và vốn, để phục hồi hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp lữ hành, rất cần những giải pháp kích cầu du lịch nội địa, các giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm chiến lược mới để tái khởi động ngành du lịch.

Vĩnh Phúc được biết đến với các địa danh nổi tiếng như: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc... thu hút đông đảo du khách trong và người nước. Hiện tỉnh đang nỗ lực phát huy đưa du lịch trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển khu, điểm du lịch. Cùng với đó tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh.

Khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Tích cực xây dựng các tour du lịch có sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến Vĩnh Phúc.

Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung phát triển du lịch theo ba hướng chính: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo.

Với cơ chế, chính sách phù hợp tỉnh Vĩnh Phúc đang khai thác tốt tiềm năng của địa phương, thu hút khách du lịch mà, bênh cạnh đó là tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hàng nghìn người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh./.

Đọc thêm