Gần 20 vị trí có tiềm năng thủy điện tại Thái Nguyên chưa được khai thác

(PLVN) - Thông tin này được đưa ra tại tại buổi làm việc giữa Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên về việc triển khai thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn.
Công trình thủy điện Núi Cốc tại tỉnh Thái Nguyên trung bình mỗi ngày sản xuất 30.000kW.h điện
Công trình thủy điện Núi Cốc tại tỉnh Thái Nguyên trung bình mỗi ngày sản xuất 30.000kW.h điện

Theo đó, căn cứ vào quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2006-2010, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 18 vị trí có khả năng khai thác thủy điện với tổng công suất lắp đặt gần 400kW, mỗi vị trí có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ với công suất <50kW.

Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Thái Nguyên chỉ có duy nhất 1 công trình thủy điện là Nhà máy thủy điện hồ Núi Cốc được khởi công xây dựng năm 2008, đi vào hoạt động năm 2009, với hình thức đầu tư BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), tổng vốn đầu tư là 32,5 tỷ đồng.

Đây là công trình thủy điện quy mô nhỏ, công suất 1,89MW, tận dụng thủy năng từ nguồn nước của cống đập chính hồ Núi Cốc để lắp đặt 3 tua-bin phát điện, đấu nối vào lưới điện Quốc gia.  Mỗi ngày, trung bình Nhà máy phát lên lưới điện khoảng 30.000kW.h, mỗi năm  là 7,97 triệu kW.h, góp phần giảm thiểu khó khăn cho tình trạng thiếu điện hiện nay. Từ năm 2010 đến tháng 6-2020, Nhà máy thủy điện hồ Núi Cốc đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh trên 13,3 tỷ đồng.

Công trình thủy điện hồ Núi Cốc là loại công trình tưới kết hợp phát điện, lượng nước sau khi qua tua-bin phát điện được trả lại 100% vào kênh tưới chính của hệ thống thủy lợi hồ Núi Cốc, là loại năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh, đoàn Thanh tra cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nghiên cứu các vị trí có tiềm năng phát triển thủy điện trên địa bàn để triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.

Cuối năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đã ký hợp tác đầu tư toàn diện với Tổng Công ty Sông Ðà (Bộ Xây dựng) trên các lĩnh vực: Xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp, kho cảng; thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; xây dựng các công trình thủy điện, nhiệt điện… Đây là một trong những nhà đầu tư tiềm năng, góp sức cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và khai thác tiềm năng thủy điện nói riêng. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm, đầu tư của các cấp lãnh đạo và các doanh nghiệp trên địa bàn, ngành thủy điện tỉnh Thái Nguyên sẽ có những bước tiến đột phát, đóng góp tích cực cho nguồn điện lưới quốc gia.

Đọc thêm