Gia Lai: 2 doanh nghiệp nợ đọng BHXH bị khởi kiện

(PLO) - Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Gia Lai, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.687 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với số nợ lên tới gần 100 tỷ đồng.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Trong các đơn vị đó, có đơn vị chậm đóng từ 1 đến 2 tháng là trên 37 tỷ đồng; số nợ đọng từ 3 đến 5 tháng  là 17,7 tỷ đồng và 41,21 tỷ đồng nợ từ 6 tháng trở lên… Ngoài ra có 64 đơn vị bị liệt vào danh sách khó thu với số nợ khoảng 3,6 tỷ đồng do mất tích, phá sản, chủ doanh nghiệp chết. Hiện nay, cơ quan BHXH tỉnh Gia Lai đã chuyển 2 hồ sơ sang Liên đoàn Lao động tỉnh để hoàn thành các bước theo quy định tiến hành khởi kiện 2 doanh nghiệp nợ đọng BHXH gồm Công ty cổ phần Đông Hưng và Công ty cổ phần Sông Đà 3.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đông Hưng (địa chỉ 189 Lê Đại Hành, TP. Pleiku) với số lao động 20 người, số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng tính đến tháng 10-2016 là trên 1,8 tỷ đồng, thời gian nợ 65 tháng. Công ty cổ phần Sông Đà 3 với số nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng lên đến trên 8,77 tỷ đồng. Với số lao động 454 người nhưng 11 tháng qua Công ty này không đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 

Đây là 2 trong nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước đó, đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở đối với 2 đơn vị này nhiều lần nhưng 2 đơn vị vẫn không khắc phục. Sau khi BHXH gửi hồ sơ qua Liên đoàn Lao động tỉnh, Công ty cổ phần Đông Hưng đã có động thái khắc phục là nộp 150 triệu đồng tiền nợ đọng bảo hiểm.

BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn luôn là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, trong đó có thể kể đến nguyên nhân làm ăn thua lỗ, phá sản nhưng nguyên nhân chính vẫn là đơn vị, doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động.

Có đơn vị, người lao động đã bị trừ các khoản đóng BHXH vào lương nhưng doanh nghiệp lại… “quên” đóng BHXH cho người lao động. Chỉ khi đến giải quyết các chế độ BHXH, người lao động mới phát hiện đơn vị, doanh nghiệp mình không đóng BHXH cho người lao động trong nhiều tháng liền. Do vậy, việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động cũng vì thế bị ảnh hưởng, không giải quyết được.

Ngoài ra, công tác thu hồi nợ hiện nay còn mang tính thời điểm, chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH tuy đã có nhưng chưa đủ mạnh nên chưa phát huy hiệu quả, lãi suất chậm đóng thấp, công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.

Bên cạnh đó, theo Công văn số 105/TANDTC-PC&QLKH của Tòa án nhân dân tối cao về việc thi hành Luật BHXH ngày 14-4-2016 quán triệt đến Tòa án nhân dân các cấp: Kể từ ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2016), Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1-1-2016 mà chưa giải quyết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vậy nên hiện nay, việc khởi kiện các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động được giao cho tổ chức Công đoàn. Quy định cho phép tổ chức Công đoàn khởi kiện thẳng lên Tòa án doanh nghiệp nợ BHXH.

Đọc thêm