Gia Lai vận động các cơ sở giao gấu nuôi cho Nhà nước

(PLO) - Gia Lai là một trong những tỉnh có nhiều cơ sở nuôi nhốt các loại gấu hoang dã (có nguồn gốc từ rừng), nhất là loại Gấu ngựa (có tên quốc tế là Ursus thibetanus hay Ursus tibetanus). 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Gấu ngựa thông thường có màu lông đen, có đặc điểm là vùng lông màu trắng hình chữ V ở ngay trước ngực. Đây là loại gấu quý hiếm, nguy cấp thuộc nhóm 1B cần được chăm sóc, bảo tồn nghiêm ngặt. Mọi hành vi săn bắn, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, quảng cáo, nuôi nhốt, chích hút mật, sử dụng mật, xuất nhập khẩu trái phép đều bị xử lý nghiêm minh, kể cả xử lý về mặt hình sự.

Thực hiện các quy ước, các quy định, trong đó có Công văn số 8263 ngày 30-9-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT  “V/v tăng cường quản lý các trại nuôi động vật hoang dã hung dữ”; Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đang tiếp tục phối hợp với các cấp, các ban, ngành và các tổ chức trong nước, ngoài nước tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; đồng thời vận động các chủ cơ sở nuôi nhốt gấu tự nguyện giao nộp gấu cho Nhà nước.

Kết quả từ năm 2016 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận và chuyển giao thành công 11 cá thể Gấu ngựa cho Nhà nước để chăm sóc, bảo tồn, nghiên cứu khoa học; trong đó có 04 cá thể Gấu ngựa(2 con đực và 2 con cái), có trọng lượng ước tính từ 80 đến 100kg/cá thể, đã chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc (theo các Quyết định số 293, 294, 295 ngày 04-11-2016 của Cục Kiểm lâm, thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT ); 06 cá thể Gấu ngựa, giới tính cái, có trọng lượng ước tính hơn 80 kg/cá thể đã chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc(theo Quyết định số 57 ngày 23-3-2017 của Cục Kiểm lâm) và 01 cá thể Gấu ngựa, giới tính cái, có trọng lượng khoảng 90kg đã chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội(theo Quyết định số 339 ngày 06-12-2017 của Cục Kiểm lâm). 

11 cá thể Gấu ngựa nêu trên đều có tên riêng, đều được các cơ quan chức năng lập hồ sơ gắn chíp điện tử theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ và đều được các cơ sở nuôi nhốt hơn 10 năm tại các trang trại ở trong tỉnh. Các chủ cơ sở đều tự nguyện viết đơn giao nộp gấu cho Nhà nước. Trong khi các cơ quan có chức năng tiếp nhận và chuyển giao gấu cho Nhà nước đều được chủ cơ sở nuôi nhốt ký biên bản giao nộp và các chuyên gia của Tổ chức Động vật Châu Á (Animals ASIA) hỗ trợ, giúp đỡ và giám sát theo quy định.

Tuy đã được các cấp, các ban, ngành và các tổ chức tuyên truyền, vận động qua nhiều năm; nhưng đến nay một số cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm ở trong tỉnh vẫn chưa chịu tự nguyện giao nộp gấu cho Nhà nước.

“Cụ thể, Tập đoàn Đức Long, ở TP Pleiku đang nuôi nhốt 02 cá thể Gấu; Công ty 72, ở huyện Đức Cơ, thuộc Binh đoàn 15 đang nuôi nhốt 01 cá thể Gấu, đến nay vẫn chưa chịu giao nộp cho Nhà nước. 03 cá thể Gấu này đã có hồ sơ gắn chíp điện tử theo dõi, giám sát, quản lý và các đơn vị này đã nuôi nhốt hơn 10 năm nay. Chúng tôi đang kiên trì vận động các cơ sở giao gấu nuôi cho Nhà nước theo các quy định”- ông Nguyễn Thanh Tâm-cán bộ phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai khẳng định như vậy, sau khi có sự cho phép phát ngôn của lãnh đạo Phòng và lãnh đạo Chi cục. 

Đọc thêm