Gian nan xây dựng nông thôn mới ở xã Châu Hạnh

(PLVN) - Mặc dù có nhiều thuận lợi về mặt giao thông so với các địa phương khác ở huyện Qùy Châu, Nghệ An, nhưng quá trình xây dựng xã nông thôn mới ở Châu Hạnh vẫn nhiều khó khăn do đặc thù xã miền núi, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.
Một lớp học xóa mù chữ của phụ nữ xã Châu Hạnh.
Một lớp học xóa mù chữ của phụ nữ xã Châu Hạnh.

Là xã thuộc địa phương mà diện tích tự nhiên chủ yếu là đồi núi, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí thấp nên quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Châu Hạnh gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2019, khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, đầu năm mưa rét kéo dài, những tháng hè nhiệt độ luôn vượt ngưỡng trong nhiều năm qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Những tháng đầu năm, tổng diện tích gieo trồng là 574,44 ha đạt 61,56 % so với kế hoạch, tăng 101,59 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích lúa đạt 210 ha, ngô đạt 27,39 ha, khoai 18,06 ha, lạc 2,15 ha, sắn 21,12 ha, mía 210,5 ha, rau củ các loại 58, 5 ha, cây ăn quả 15,5 ha…nhưng nói chung năng suất không đạt như mong muốn của địa phương.

Bên cạnh đó, chăn nuôi do ảnh hưởng của dịch tả châu phi gây cho bà con nhiều khó khăn, không tiêu thụ được do tâm lý của người tiêu dùng. Mặc dù, chính quyền đã bám sát, ban hành công văn hướng dẫn người chăn nuôi cách phòng chống dịch bệnh, tiêu độc, khử trùng cho gia cầm, gia súc tại hộ gia đình nên hạn chế nhiều sự lan truyền của dịch bệnh.

Mặt khác, các công trình thủy lợi sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, nhiều nơi bị hư hỏng như tuyến kênh mương Minh Tiến – Tà Lạnh, Na Ca – Đồng Minh, Khe My, Minh Châu, Thuận Lập cũng ảnh hưởng phần nào đến canh tác, gieo trồng. Xã đã lập nhiều đoàn kiểm tra, khắc phục nhưng do kinh phí có hạn nên các giải pháp chỉ mang tính tình thế.

Xã Châu Hạnh là địa phương mà dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng 1772 hộ, 7572 dân, dân trí thấp, tập quán, phong tục canh tác còn nhiều lạc hậu. Nhiều nơi đồng bào còn phụ thuộc nhiều vào nguồn sống từ rừng mang lại nên nạn xâm lấn, chặt phá rừng vẫn tồn tại. Xã đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều giải pháp, chỉ đạo các ban ngành bám dân, đẩy mạnh công tác dân vận, xử phạt hành chính nhiều trường hợp như phối hợp với lực lượng kiểm lâm xử lý 2 vụ vi phạm lâm luật, 1 vụ phát rừng trái phép, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Phá Hới, Tà Sỏi nhưng diễn biến còn phức tạp.

Bằng sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay xã đã đạt 12/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, 18/18 bản đăng ký thực hiện từ 1-3 tiêu chí trong năm 2019. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt gần 3 tỷ đồng, đạt 45,15 % kế hoạch đề ra. Xã phát động và duy trì tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết – Xây dựng đời sống văn hóa”, bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào Thái, xóa mù chữ, tái mù chữ…

Trong công tác phòng chống cháy rừng, cao điểm của đợt nắng nóng kéo dài, nhiều địa phương trên tỉnh Nghệ An xảy ra cháy rừng nhưng đến nay trên địa bàn xã chưa xảy ra vụ nào mặc dù diện tích rừng lớn. Đây là nỗ lực lớn của chính quyền địa phương đáng được hoan nghênh.

Để trở thành một xã nông thôn mới, xã Châu Hạnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng sự đoàn kết, quyết tâm, các phương án chỉ đạo kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, hy vọng trong một thời gian ngắn nữa địa phương này sẽ trở thành một xã nông thôn mới điển hình mang nhiều nét đặc trưng của một xã vùng cao nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Đọc thêm