Giữ 2% phí công đoàn theo Luật Công đoàn 2012 là cần thiết

(PLVN) - Ngày 16/10, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn
Luật Công đoàn được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên sau 7 năm triển khai đã xuất hiện một số vấn đề, chưa hoàn toàn tương thích với hiến pháp và điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, Luật Công đoàn phải được tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn. Nội dung trao đổi chuyên sâu tại hội nghị xoay quanh các vấn đề hoàn thiện quy định về: Nội dung tổ chức bộ máy công đoàn; cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới; hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với hiếp pháp.

Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công đoàn của Liên đoàn Lao Động Tiền Giang đã tiến hành thảo luận sửa đổi 14 điều của Luật Công đoàn năm 2012, tập trung bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, hoàn thiện cơ chế tài chính trong tổ chức công đoàn, giải pháp thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn, cho phù hợp với tình hình thực tiễn… Đồng thời phân tích, tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan đến quy định về công tác tổ chức cán bộ, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, kinh phí công đoàn.

Theo các đại biểu tham dự, trước tình hình cả nước đang chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid -19 ảnh hưởng đến toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, xã hội, đời sống của nhân dân; do đó, nếu không có nguồn kinh phí trong công đoàn sẽ gây khó khăn trong các hoạt động trọng tâm, dẫn đến nhiều hệ quả không thể lường trước, ảnh hưởng đến chất lượng kinh doanh của các Doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, việc giữ 2% phí công đoàn đúng theo Điều 26 luật Công đoàn 2012 là điều cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhất trí cao với phương án trong dự thảo sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 27 về quản lý sử dụng tài chính Công đoàn với nội dung cụ thể: “Kinh phí công đoàn theo khoản 2 Điều 26 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp…”

Góp ý tại hội nghị, các đại biểu đặt ra một số vấn đề cần làm rõ như: Có nên cho người nước ngoài tham gia quản lý công đoàn; tăng thời gian thực hiện nhiệm vụ công đoàn của cán bộ công đoàn không chuyên trách; có nên thêm khoản 4 Điều 9 trong dự thảo luật là những hành vi bị nghiêm cấm hay không?...

Ông Nguyễn Thanh Hải – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biếu
Ông Nguyễn Thanh Hải – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biếu  
 Ghi nhận những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Thanh Hải – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đã cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV tới đây, góp phần hoàn thiện Luật Công đoàn phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn hiện hành là việc cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước.

Đọc thêm