Hà Giang đã thành lập Trung tâm hành chính công tại 100% huyện, thành phố

(PLVN) - Sáng 25/9, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2011-2020 và Giao ban Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh 9 tháng đầu năm 2020.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính đã cơ bản được hoàn thành, góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển KT - XH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.  

Riêng 9 tháng 2020, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đúng quy trình; thường xuyên kiểm soát, rà soát, đơn giản hóa TTHC. 

Số hồ sơ đã giải quyết trước hạn đạt 75%, đúng hạn đạt 17,4%, quá hạn chiếm 7,6%. Đã cung cấp 384 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 299 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 

Trong đó, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và đạt 97,7% nhiệm vụ đề ra theo Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2016 có bước tăng vượt bậc (đạt 75,20 điểm, xếp thứ 28/63, tăng 29 bậc), năm 2017 tăng 3 bậc. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019 đạt 80,80 điểm, xếp thứ 35/63, tăng 28 bậc và về đích trước 1 năm so với nhiệm vụ Chính phủ giao.

Hiện tỉnh Hà Giang và 11/11 huyện, thành phố đều thành lập Trung tâm hành chính công, 100% ý kiến phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính đều được kịp thời giải quyết. Công tác cải cách tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước các cấp được sắp xếp, kiện toàn đúng quy định, phù hợp; việc ứng dụng CNTT được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến từng cơ quan, đơn vị. công tác lãnh chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, góp phần phát triển KT-XH.

Ghi nhận và biểu dương những sự nỗ lực của các cấp, ngành sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế.

Đặc biệt tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Tiếp tục phát huy và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; tạo chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị từ Tỉnh đến cơ sở; Gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính với thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh hàng năm; 

Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh; Tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản Quy phạm pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng chí nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì cần có những biện pháp tuyên truyền phù hợp để người dân, doanh nghiệp tham gia giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới lề lối làm việc trong nội bộ cơ quan, tổ chức và phục vụ nhân dân như: ứng dụng chữ ký số, tiếp tục hoàn thiện các hệ thống nền tảng phát triển Chính quyền điện tử; khai thác hiệu quả Trung tâm điều hành giám sát thông minh (IOC) tại thành phố Hà Giang. 

Bên cạnh đó, cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động CCHC. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân….

Trên cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Tổ chức - Nội vụ chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố rà soát đội ngũ công chức làm công tác cải cách hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính đáp ứng đủ điều kiện về năng lực, trình độ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh để bố trí ít nhất từ 02- 03 công chức cho Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh trong thời gian tới để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính.

Đọc thêm