Hạn mặn ảnh hưởng lớn nhất tại ĐBSCL đúng dịp Tết Nguyên đán

(PLVN) - Dự báo nước về thấp ngay từ đầu mùa khô năm 2020 - 2021 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và mặn bất thường có thể xảy ra sớm, có thể kéo dài tới tháng 5/2021.
Hạn mặn ảnh hưởng lớn nhất tại ĐBSCL đúng dịp Tết Nguyên đán

Theo Tổng cục phòng chống thiên tai, dự báo nước mùa kiệt 2020 – 2021 về đồng bằng thấp. Dự báo hạn mặn lên cao nhất vào đúng dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 8 – 16/2/2021, mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48 – 70km và trên sông vàm cỏ 75 – 90km.

Vùng ven biển ĐBSCL (gồm Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) được dự báo sẽ có độ hạn mạn cao hơn vùng thượng và vùng giữa của ĐBSCL.

Bản đồ dự báo xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021
Bản đồ dự báo xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021

Trước tình hình đó, Tổng cục phòng chống thiên tai khuyến cáo các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn, vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể để bảo vệ các vườn cây ăn trái và nước sinh hoạt, trong đó, việc lấy và tích nước đủ muộn nhất hoàn thành trước ngày 7/2 để hạn chế thiệt hại khi mặn cao dịp Tết; hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn; đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật thông tin dự báo để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với diễn biến nguồn nước.

Tại tỉnh Tiền Giang, Sở NN&PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh nhanh chóng triển khai đắp 8 đập ngăn mặn, trữ ngotj trên các tuyến kênh rạch gồm Nguyễn Tấn Thành, Ông Hồ, Cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười trước Tết nguyên đán; đồng thời dự kiến triển khai kế hoạch khoan thêm 14 giếng tầng sâu nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất tại xã Tân Phong và xã Ngũ Hiệp; tổ chức sản xuất và ổn định cuộc sống theo hướng “chung sống với hạn, mặn” và phát triển bền vững, lâu dài vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Đắp đập ngăn mặn để bảo vệ vườn cây ăn trái tại Tiền Giang
 Đắp đập ngăn mặn để bảo vệ vườn cây ăn trái tại Tiền Giang

Trong khi đó, Long An triển khai thực hiện các phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính), nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân trong các tháng mùa khô 2020-2021, giảm thấp thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra. Đồng thời, Long An sẽ khẩn trương khảo sát khu vực có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, lập dự trù kinh phí đắp đập tạm ngăn mặn trữ ngọt, nhất là trên tuyến Quốc lộ 62 (gồm Kênh Bến Kè, Rạch Bún Bà Của, Rạch Cái Tôm…) nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho 2 tỉnh Long An và Tiền Giang.

Triển khai công tác phòng, chống hạn mặn 2020-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam đã yêu cầu việc đóng, mở cống phải thật linh hoạt, sát thực tế, có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với chính quyền địa phương, không nên theo lịch trình cố định. Đồng thời Chủ tịch tỉnh Bến Tre cũng cho rằng các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trữ nước trong dân, bởi đây là vấn đề cơ bản cần phải thực hiện ngay. Bên cạnh đó, Bến Tre cũng quan tâm triển khai và vận hành tốt hệ thống RO. Tiếp tục hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn, xử lý ngăn mặn tạm thời khi công trình chưa hoàn thành. Các đơn vị, huyện, thành phố hoàn thành các công trình đập tạm, các hồ chứa nước, đảm bảo đủ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt.

Đọc thêm