Hậu Giang: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, thu hút “làn sóng” đầu tư mới

(PLVN) - Trong 3 nhiệm vụ đột phá được xác định trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hậu Giang đặc biệt chú trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách địa phương. Đặc biệt là về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (hàng đầu, bìa trái) khảo sát và lắng nghe ý kiến của DN trên địa bàn.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (hàng đầu, bìa trái) khảo sát và lắng nghe ý kiến của DN trên địa bàn.

Bứt phá thay đổi diện mạo Hậu Giang

Hậu Giang xác định là tỉnh nghèo, không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác nên tỉnh đã tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh.

Một trong những giải pháp là xây dựng và hoàn thiện thể chế địa phương theo hướng cạnh tranh, ưu đãi, chi phí tiếp cận thấp. Hằng năm, tỉnh nghiên cứu, rà soát, ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đặc thù trên các lĩnh vực như: Phát triển du lịch; nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo…

Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát sao, quyết liệt: Nghị quyết 26/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 – 2024; Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Đến nay, các chủ trương đã lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Nhiệm kỳ qua, tỉnh đã thu hút được nhiều DN lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị, sản xuất công nghiệp… khởi động những dự án đầu tư lâu dài như: Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, Tập đoàn Vingroup…

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp huy động, thu hút nguồn lực đầu tư; phát huy trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đồng thời, xây dựng nhiều kênh đối thoại với DN, nhà đầu tư và người dân. Từ đó, góp phần củng cố lòng tin của người dân, sự đồng hành của DN trong quá trình phát triển, chỉ số năng lực cạnh tranh được cải thiện qua từng năm.

Hậu Giang phát triển kinh tế theo hướng “Ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch”.
 Hậu Giang phát triển kinh tế theo hướng “Ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch”.

Đặc biệt, tỉnh tập trung tổ chức rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thành lập Trung tâm hành chính công, tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; ban hành công khai danh mục các dự án thu hút đầu tư; củng cố, kiện toàn tổ chức và nội dung hoạt động của Hiệp hội DN. 

Qua đó, công tác thu hút đầu tư có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỉnh có 355 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 128.000 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút được 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 553 triệu USD. Bên cạnh đó, công tác phát triển DN được đặc biệt quan tâm.

Trong 5 năm, toàn tỉnh có thêm 3.000 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, tăng 76% về số DN và tăng 91% về số vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước, bình quân quy mô một DN khoảng 5 tỷ đồng, tăng 9% so với nhiệm kỳ trước.

Hậu Giang - “Điểm ngắm” của giới đầu tư

Trong định hướng phát triển nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Hậu Giang phát triển kinh tế theo hướng “ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch”. Theo ông Lê Tiến Châu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đây là mệnh đề gắn liền, có mối liên kết chặt chẽ với nhau, bổ trợ lẫn nhau và không thể đặt riêng rẽ.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận trong phát triển kinh tế phải đa chiều, liên kết tất cả các lĩnh vực kinh tế, thành phần kinh tế để tận dụng thế mạnh của nhau cùng phát triển.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản của Hậu Giang.
 Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản của Hậu Giang.

“Hậu Giang có thế mạnh nông nghiệp nhưng cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm 24,6% nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, phải tập trung vào công nghiệp chế biến, thương mại hóa các sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị. Song song đó, phải phát triển thương mại để giải quyết vấn đề thị trường cho nông sản”, ông Lê Tiến Châu phân tích. 

Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án quy mô lớn như: nhiệt điện, chế biến,… tăng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát huy lợi thế sẵn có về nông nghiệp, tạo thành chuỗi liên kết giữa sản xuất, bảo quản và tiêu thụ nông sản, vừa góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, vừa làm động lực cho nông nghiệp phát triển.

Quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại lớn (TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ). Tăng cường thu hút đầu tư, tiến đến hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại – dịch vụ, nhất là mạng lưới chợ, hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ… Kết hợp thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ: khách sạn, nhà hàng, ăn uống, vận tải… tiếp tục hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, các tài nguyên chiến lược của tỉnh về du lịch. 

Để làm được những điều đó, giải pháp “tối ưu” Hậu Giang đưa ra là tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao… thu hút đầu tư, phát triển DN, HTX theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. 

Hậu Giang sẽ tích cực cử các đoàn đi học tập, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương trong và ngoài nước để tổng hợp, địa phương hoá các chính sách hay đã được áp dụng trên thực tế. Tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo, HTX có tiềm năng, triển vọng phát triển.

Tích cực tham khảo, học tập kinh nghiệm thực tiễn về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của các địa phương trong và ngoài nước nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh.

Đặc biệt, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường và đa dạng hóa các kênh đối thoại với nhà đầu tư, DN và người dân, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, phiền hà DN, nhà đầu tư; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng và tăng cường thu hút, kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, DN tiềm lực mạnh và các thành phần kinh tế trong, ngoài nước. 

Niềm tin vững chắc về một Hậu Giang phát triển

Ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Hậu Giang muốn trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL thì cần quan tâm phát triển công nghiệp; quan tâm nâng cao xuất nhập khẩu để tạo ra giá trị nhằm nâng cao đời sống xã hội.

Tỉnh cần tăng cường liên doanh, liên kết phát triển với các DN trong và ngoài nước, tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư lớn từ nước ngoài. Chúng ta phát triển công nghiệp nhưng không bỏ nông nghiệp mà phải phát triển theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để nâng cao giá trị nông sản và thu nhập của nông dân.

Ông Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Các thế hệ kế tiếp cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, làm tốt công tác dự báo, định hướng cho đúng đắn, nhất là các mục tiêu chiến lược, mục tiêu ngắn hạn và tạo những đột phá cho những mục tiêu, chiến lược ngắn hạn đó.

Trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có thêm những đột phá trong lãnh đạo, trong điều hành, trong thực hiện, nhất là thế hệ trẻ để làm tròn trách nhiệm của mình. Tôi nhận thấy rõ tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân với quê hương.

Cư xử có tình có nghĩa, có trên có dưới, có trước có sau, biết trân trọng những gì có được để phát huy trong điều kiện khó khăn. Với nền tảng, sự kế thừa liên tục, tin rằng các đồng chí sẽ làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình.

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Theo tôi đánh giá, cán bộ, đảng viên Hậu Giang có nhiều tố chất tích cực, là nhân tố tiêu biểu trong xã hội, được Nhân dân tin cậy giao phó nhiệm vụ, là trung tâm đoàn kết xây dựng, phát triển quê hương.

Vì vậy, tôi mong các đồng chí hãy tiếp tục phát huy truyền thống, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; hãy trân trọng những gì đã, đang có để kết nối thêm yêu thương, nhân lên tình đoàn kết hơn nữa mà tạo ra những đột phá, tiến bộ không ngừng. Cán bộ, đảng viên cao niên hãy chia sẻ nhiều hơn; trẻ thì năng động, tiếp bước; tất cả cùng nhau kết thành một khối như cha anh đi trước đã làm để Hậu Giang ngày càng được vươn xa…

Đọc thêm