Hiệu quả tín dụng chính sách ủy thác ở huyện miền núi Tuyên Hóa

(PLVN) - Thông qua kênh ủy thác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách với các cấp tổ chức chính trị - xã hội, trong những năm qua, nguồn vốn đã hỗ trợ rất thiết thực cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo và ổn định cuộc sống ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Gia đình chị Trần Thị Liên (xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) được vay vốn ưu đãi qua NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.
Gia đình chị Trần Thị Liên (xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) được vay vốn ưu đãi qua NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tuyên Hóa đã triển khai ký văn bản liên tịch với 4/4 tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) cấp huyện và 100% tổ chức cơ sở cấp xã, tạo tính hài hòa, đồng đều trong công tác ủy thác.

Đến nay, ở Tuyên Hóa có 76 tổ chức CT-XH cấp xã trên 19 xã, thị trấn thực hiện hợp đồng ủy thác với NHCSXH huyện, quản lý 314 tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV). Tính đến thời điểm 28/02/2021, tổng dư nợ cho vay ủy thác là 559,1 tỷ đồng với 11 ngàn hộ dư nợ, chiếm tỷ trọng lên đến 99,9% trong tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện. 

Trong tổng dư nợ cho vay ủy thác, Hội Nông dân quản lý 250,5 tỷ đồng với 4,9 ngàn hộ dư nợ, Hội Phụ nữ quản lý 131,8 tỷ đồng với 2,5 ngàn hộ dư nợ, Hội Cựu chiến binh quản lý 99,3 tỷ đồng với 1,9 ngàn hộ dư nợ và Đoàn Thanh niên quản lý 77,5 tỷ đồng với 1,7 ngàn hộ dư nợ.

Nguồn vốn cho vay ủy thác được các cấp tổ chức CT-XH phối hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm để lồng ghép, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hội viên, đảm bảo giúp hội viên sử dụng đồng vốn đúng mục đích và phát huy tốt hiệu quả. Từ việc phối hợp lồng ghép đó, các hội viên đã sử dụng nguồn vốn vay kịp thời và có hiệu quả, chấp hành tốt các nghĩa vụ như trả nợ, trả lãi đúng hạn cho Nhà nước. 

Thông qua việc thực hiện ủy thác, theo thống kê, đến nay có đến 4,7 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với tổng nguồn vốn vay 229 tỷ đồng; có 6,3 ngàn công trình nước sạch và công trình vệ sinh, số tiền vay 43,6 tỷ đồng được đầu tư xây dựng nhờ nguồn vốn vay; có 270 học sinh sinh viên được vay vốn học tập số tiền 6,9 tỷ đồng; có 707 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở với số tiền 12,9 tỷ đồng.

Các cấp tổ chức CT-XH phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với NHCSXH huyện để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng ủy thác. Đến nay, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,07%/tổng dư nợ, trong đó có 86% tổ chức CT-XH cấp xã quản lý nguồn vốn không có nợ quá hạn, có 97% các Tổ TK&VV thực hiện ủy nhiệm không có nợ xấu quá hạn. Công tác giải ngân cho vay được phối hợp trực tiếp tại các điểm giao dịch tại xã hàng tháng, có sự chứng kiến của tổ chức CT-XH cấp xã và tổ trưởng các Tổ TK&VV, tạo ra tính công khai, dân chủ nguồn vốn chính sách.

Thông qua kênh vốn ủy thác từ NHCSXH huyện, các cấp tổ chức CT-XH đã có điều kiện thường xuyên gần gũi đến các hội viên của mình, góp phần thường xuyên củng cố hệ thống chính trị của tổ chức mình tại cơ sở, thực sự là cầu nối để góp phần hỗ trợ chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến tận tay hội viên, giúp họ tiếp cận thuận lợi nhất nguồn vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương của mình. 

Đọc thêm