Hỗ trợ khắc phục hạn, mặn ở Cà Mau: Thiếu công bằng trong xét duyệt

(PLO) - Tiếp xúc với PLVN, đông đảo người dân xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bức xúc trước việc chi hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn, mặn tại đây thiếu công bằng giữa các ấp, thậm chí giữa các hộ có cùng diện tích và mức thiệt hại như nhau nhưng số tiền hỗ trợ lại khác nhau; không ít hộ không được nhận đúng số tiền hỗ trợ như đã niêm yết…
Hỗ trợ khắc phục hạn, mặn ở Cà Mau: Thiếu công bằng trong xét duyệt

Nông dân thắc mắc về những điều khó hiểu ấy thì được cán bộ ấp, xã bảo có gì giải quyết sau. Để rồi hơn một tháng trôi qua nhưng phản ánh, khiếu nại của họ vẫn “im hơi lặng tiếng”. 

Niêm yết một đằng, chi một nẻo

Gia đình hộ ông N.V.P (ấp Lê Hoàng Thá) cho biết, gia đình có diện tích đất gieo sạ hơn 1ha. Vụ vừa qua chỉ thu hoạch được 18 bao lúa và nhận được hỗ trợ 1.040.000 triệu đồng. Trong khi đó, hộ bà N.K.L. (ấp Kênh 6) cũng có diện tích và mức thiệt hại như ông P. nhưng lại được nhận 2 triệu đồng. Cá biệt như trường hợp hộ ông N.T.D (ấp Kênh 6), tuy số tiền hỗ trợ của hộ này được niêm yết tại trụ sở ấp là 2 triệu nhưng lúc ký nhận chỉ 1,8 triệu đồng; hộ ông N.V.S. (ấp Tấn Công) số tiền được niêm yết hỗ trợ là 4,2 triệu nhưng chỉ nhận được 3.360.000 đồng… 

Không để xảy ra tiêu cực trong việc sử dụng ngân sách hỗ trợ dân

Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết trên cơ sở kết luận của Đoàn kiểm tra nếu đơn vị, cá nhân nào làm sai quy định, tùy theo mức độ sai phạm sẽ có hướng xử lý, đảm bảo công bằng, khách quan. “Chủ trương của tỉnh là phải hỗ trợ đúng, hỗ trợ đủ cho người dân bị thiệt hại, quyết tâm không để tiêu cực xảy ra trong việc sử dụng tiền ngân sách của Nhà nước chi hỗ trợ cho dân”, ông Hải nhấn mạnh.

Chiều 14/7, trao đổi với phóng viên (PV) PLVN, ông Lê Bình Nguyên - Phó Bí thư Huyện ủy Thới Bình (Cà Mau) cho biết, khi công bố thiên tai trên địa bàn, địa phương đã thành lập Đoàn khảo sát thực hiện việc kê khai một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, do thiệt hại từ cuối năm 2015, sau một thời gian dài mới tiến hành thống kê nên không còn giữ nguyên hiện trạng. Từ đó, việc thống kê cũng như thẩm định mức thiệt hại rất khó khăn, không tránh khỏi những sai sót do việc thẩm định lúc này chủ yếu dựa vào lời khai của người dân và hành vi làm chứng của các hộ lân cận trong khu vực. 

Đối với những hộ dân nhận tiền hỗ trợ thấp hơn số tiền hỗ trợ được niêm yết, theo ông Nguyên, có lẽ là do một số xã đang triển khai Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, nếu xã tiến hành thu ngay trên số tiền mà người dân được nhận hỗ trợ thiệt hại như thế là sai quy định, vì bản thân họ là những nông dân cũng đang được Chính phủ quan tâm hỗ trợ.

Ông Nguyên còn khẳng định, huyện hoàn toàn không có chủ trương đó, huyện sẽ tiến hành khảo sát, rà soát lại thông tin phản ánh của PV, nếu có phát hiện sai sót sẽ chấn chỉnh kịp thời nhằm giành lại quyền lợi cho dân và cũng để răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ địa phương. 

Theo điều tra của PV, tại ấp Lê Hoàng Thá, sau khi PLVN tiếp xúc với nông dân tại địa bàn, trưa ngày 16/7, đã có Đoàn khảo sát của huyện Thới Bình xuống địa phương tiếp xúc một số người dân xã Tân Bằng. Cụ thể, khi tiếp xúc hộ ông  L.V.K., Đoàn đã đưa ra danh sách thống kê thiệt hại của ấp ghi rõ diện tích thiệt hại, mức thiệt hại của gia đình là 30-70%, có chữ ký của ông K. Tuy nhiên, ông K. cho rằng chữ ký trong 2 danh sách thống kê thiệt hại mà Đoàn khảo sát đưa ra tại buổi làm việc hoàn toàn không phải chữ ký của ông. 

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng đã làm việc với một số hộ dân về những thắc mắc của người dân về việc nhận tiền hỗ trợ thấp hơn số tiền mà chính quyền địa phương niêm yết, đồng thời giải thích do việc thống kê, khảo sát diện tích thiệt hại ban bầu không chính xác. Chính vì vậy, sau khi khảo sát lại phát hiện diện tích thiệt hại có sự chênh lệch dẫn đến việc xã phát tiền hỗ trợ không đúng với số tiền như đã niêm yết ở trụ sở. 

Thiếu công bằng trong xét duyệt

Còn nữa, nhiều người dân cư ngụ ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời phản ánh vụ lúa vừa qua hầu hết các hộ dân trong ấp gần như trắng tay do hạn mặn, người thiệt hại thấp nhất cũng trên 50%. Tuy nhiên, đến nay chỉ có số ít hộ dân trong ấp nhận được hỗ trợ. Ngược lại, có hộ tự ý đưa nước mặn vào đất nông nghiệp nuôi tôm, dù bị vườn quốc gia cấm nhưng lại được cán bộ ấp xem xét cho nhận tiền hỗ trợ. Có hộ dân bỏ trống đất canh tác cũng được hỗ trợ; trong khi nhiều hộ bị thiệt hại lớn trong sản xuất thì không được hỗ trợ!

Ông Huỳnh Ngọc Cung, Trưởng ấp Vồ Dơi xác nhận: Ấp có 4 đội với khoảng 266 hộ dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đợt hỗ trợ thiệt hại lúa do hạn mặn vừa qua, ấp có 65 hộ được nhận hỗ trợ. Trong đó người dân ở đội 3 chỉ có 3 hộ được nhận tiền hỗ trợ. Trao đổi với PV Báo PLVN về vấn đề này, ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời cho hay: Huyện hoàn toàn chưa nghe xã báo cáo về vấn đề này, huyện sẽ nhanh chóng cử Đoàn đến khảo sát nắm tình hình.

Cũng liên quan đến câu chuyện không nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại, đối với những khiếu nại, phản ánh của 102 hộ dân ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, ông Tuấn thừa nhận đây là lỗi chủ quan của cán bộ ấp. Theo ông Tuấn, toàn ấp có 8 tổ nhưng do Bí thư Chi bộ và trưởng ấp đánh giá khu vực từ tổ 5 đến tổ 8 thu hoạch lúa đạt năng suất nên không tổ chức họp dân. Hiện huyện đã kiểm điểm trách nhiệm của Phó Chủ tịch xã Khánh Hưng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã; Bí thư Chi bộ và Trưởng ấp.  

Ông Tuấn còn cho biết thêm, huyện đã có quyết định thành lập tổ công tác rà soát lại toàn bộ tình hình thiệt hại lúa do hạn mặn trên địa bàn. Trong quá trình khảo sát nếu phát hiện hộ dân nào có thiệt hại mà chưa được hỗ trợ sẽ lập danh sách và đề nghị lên UBND tỉnh để xin hỗ trợ; trường hợp nào phát hiện chi dư, chi sai sẽ tiến hành thu hồi.  

Gần 100% hộ dân nuôi tôm không đủ điều kiện nhận hỗ trợ thiệt hại

Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 52.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, ước số tiền hỗ trợ khoảng 260 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương là trong quá trình canh tác người dân thường ít đăng ký kê khai sản xuất ban đầu nên căn cứ theo Thông tư 05 thì gần như 99% trường hợp các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh không đủ điều kiện được hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, để tháo gỡ khó khăn trên, đồng thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh có chủ trương nếu các hộ nuôi tôm không đăng ký kê khai sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương thì phải có hóa đơn, chứng từ, giấy kiểm dịch địa phương cũng xem xét hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay số lượng người dân xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy kiểm dịch chiếm số lượng rất thấp.

Điển hình như tại huyện Trần Văn Thời, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn huyện có hơn 15.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có trên 14.000 ha diện tích bị thiệt hại với số tiền hỗ trợ dự kiến trên 62 tỷ đồng. Trong khoảng gần 9.000 hộ bị thiệt hại của huyện, chỉ có khoảng 90 hộ dân xuất trình được hóa đơn, chứng từ trong quá trình đầu tư sản xuất.  

Đọc thêm