Huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) phấn đấu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025

(PLVN) - Huyện Tam Đảo đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành thị xã, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 60% thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) phấn đấu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025

Theo Kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Tam Đảo giai đoạn 2021-2025 xác định đến năm 2025, 3 thị trấn Hợp Châu, Đại Đình, Tam Đảo trở thành phường vào năm 2023.  Trong khi đó,  3 xã Hồ Sơn, Tam Quan, Minh Quang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trở thành phường vào năm 2024, còn 3 xã Yên Dương, Bồ Lý, Đạo Trù phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. 

Dự kiến tổng nguồn vốn để thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 là 395 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách là 375 tỷ đồng.

Trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn trước, trong giai đoạn 2021-2025, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Tam Đảo tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy hoạch, quản lý quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các hoạt động du lịch, dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa nhằm chuẩn bị từng bước cho việc hình thành các đô thị trên địa bàn, tránh lãnh phí nguồn lực đầu tư. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững.

Quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, trong đó chú trọng việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa, giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là đối với dân tộc thiểu số; tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 80%.

Trong đó, đặc biệt chú trọng việc dồn thửa đổi ruộng, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất hai lúa kém hiệu quả; tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề ở nông thôn theo quy hoạch, hình thành mới các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất.

Đọc thêm