Khi 'ngọc' tỏa sáng ở Cao Bằng

(PLO) - Ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris (Pháp) đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Tỉnh Cao Bằng đã, đang tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học.
Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.
Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.

Lịch sử trên 500 triệu năm

Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã được UNESCO công nhận từ năm 2010.

Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km. Diện tích công viên lên đến hơn 3.000km2, bao gồm sáu huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của chín dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay...

Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản..., đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất, xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc. Non nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.

Bên cạnh các giá trị thiên nhiên như diện tích, đặc điểm địa chất và đa dạng sinh học, Non nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.  

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu là một ghi nhận của UNESCO về cảnh quan đa dạng phong phú, giá trị văn hóa tinh thần của khu vực Non nước Cao Bằng. Điều này sẽ tạo điều kiện để tỉnh phát triển bền vững về các mặt kinh tế và xã hội, góp phần thúc đẩy nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. 

Để “ngọc” tỏa sáng mãi

Ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho hay, tỉnh xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể để khai thác hiệu quả di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý Công viên Địa chất tỉnh Cao Bằng đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động, như: Tăng cường công tác tuyên truyền, hợp tác xúc tiến quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, phát hành 1 bộ phim tài liệu, 100 quyển sách ảnh, 200 cuốn bản tin, 2.000 tờ rơi tiếng Việt - Anh.

Bên cạnh đó là tổ chức hội nghị tuyên truyền về Công viên Địa chất và di sản địa chất, 2 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về Công viên Địa chất và di sản địa chất cho trên 300 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh và các cộng tác viên; lập và vận hành website...

Phối hợp với các hãng truyền thông, đơn vị lữ hành có uy tín trong nước tổ chức các đoàn Famtrip liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc: du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 63/KH-SVHTTDL-SGD&ĐT về tuyên truyền, giáo dục về Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng trong các trường học từ năm học 2017 -2018, một số trường học tổ chức hoạt động ngoại tìm hiểu về Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng. Hoạt động ngoại khóa tập trung vào tuyên truyền, giáo dục về các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, dân tộc, các làng nghề truyền thống, sản vật địa phương, ẩm thực, giá trị địa chất, đa dạng sinh học, và cảnh quản đặc sắc của Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng thông qua hình thức sân khấu hóa, biểu diễn văn nghệ, và thi. 

Ngoài ra, học sinh còn được trải nghiệm 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng bao gồm tuyến “Di chỉ đại dương cổ”;  tuyến “Trở về nguồn cội”; tuyến “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”.

Đọc thêm