Kiến nghị 'gỡ vướng' cho nhiều dự án trọng điểm tại Đà Nẵng

(PLO) - Chiều 2/3, Đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng liên quan đến các dự án của ngành giao thông trên địa bàn
Đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải làm việc tại Đà Nẵng liên quan đến các dự án trong điểm
Đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải làm việc tại Đà Nẵng liên quan đến các dự án trong điểm

Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời điểm này có thể coi là “chín muồi” để triển khai dự án trọng điểm ở Đà Nẵng như: xây dựng cảng Liên Chiểu thay thế cảng Tiên Sa; di dời ga đường sắt Đà Nẵng; hoàn trả đường phục vụ các dự án Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.. 

Việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, theo ông Tuấn rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển không chỉ của riêng Đà Nẵng, mà còn của cả khu vực. Với quy mô 46 triệu tấn/năm, dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn với tổng mức đầu 32.861 tỉ đồng. Khi đó, cảng Tiên Sa (hiện quá tải) sẽ chuyển hẳn sang làm nhiệm vụ một cảng du lịch.

Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dẫn đầu
Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dẫn đầu

Góp ý tại buổi làm việc, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng xác nhận, cảng Liên Chiểu hết sức quan trọng đối với Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp quan tâm xin đầu tư. Vì thế, Đà Nẵng đề nghị Bộ trưởng quan tâm Chủ trì, phối hợp Bộ KH&ĐT và các Bộ liên quan sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho Dự án, đồng thời thống nhất đề xuất giao UBND thành phố làm Cơ quan chủ quản dự án để chủ động trong việc triển khai dự án. 

Đối với dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố, được nhìn nhận là một trong số những dự án quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội và an ninh-quốc phòng của Đà Nẵng. Vị lãnh đạo cao nhất TP. Đà Nẵng nêu, dự án được hình thành sẽ giúp phát triển đô thị một cách bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường đồng thời rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc - Nam; tăng tính kết nối với hệ thống đường sắt, đường bộ và cảng biển và các KCN. Dự án chia làm 2 giai đoạn, vốn đầu tư khoảng gần 7.000 tỉ đồng.

Do đó, Đà Nẵng mong muốn Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan thuộc UBND TP. Đà Nẵng hoàn chỉnh phương án đầu tư, nguồn vốn thực hiện để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong Quý II/2018 làm cơ sở triển khai tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói thêm về các dự án tại Đà Nẵng đang vướng mắc
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói thêm về các dự án tại Đà Nẵng đang vướng mắc

Ngoài ra, Đà Nẵng còn kiến nghị về hoàn trả kinh phí đường ĐT 601 (phụ vụ dự án La Sơn- Túy Loan) với quy mô 207,46 tỷ đồng; dự án triển khai xây dựng tuyến đường gom dọc hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn từ Khu công nghệ cao đến Quốc lộ 14B (Km66+0-Km77+472) nhằm đảm bảo an toàn giao thông, thuận lợi cho người dân lưu thông sau khi tuyến đường cao tốc hoàn thành..  Đối với những dự án này, sau khi có kết quả thẩm định, Đà Nẵng đề nghị Bộ chỉ đạo chuyển toàn bộ kinh phí hoàn trả cho địa phương thực hiện.

Ghi nhận hết ý kiến, Bộ trưởng đánh giá cao những nổ lực của Đà Nẵng trong việc xây dựng, triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng để thúc đẩy kinh tế, đưa thành phố phát triển đi lên. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới Bộ càng phối hợp tốt hơn với Đà Nẵng để xem xét các công trình, dự án mà Đà Nẵng kiến nghị. 

Trả lời kiến nghị từng dự án cụ thể, như cảng Liên Chiểu, Bộ trưởng thừa nhận, dự án này rất quan trọng cần được triển khai. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu:  “Khẩn trương thẩm định ngay vì khâu này rất quan trọng. Bộ sẽ làm cầu nối với các Bộ ngành, không thể không tập trung cho dự án này được. Sau 10-15 ngày, sẽ hoàn thành công tác thẩm định. Do đó, yêu cầu Đà Nẵng phối hợp cung cấp hồ sơ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói

Bộ trưởng cũng nhất trí kiến nghị giao cho Đà Nẵng và hoàn toàn ủng hộ để địa phương này làm cơ quan chủ quản. “Tăng cường phân cấp, giao quyền cho địa phương làm điều nên làm”, Bộ trưởng nhắc thêm.

Đối với ga đường sắt Đà Nẵng, Bộ trưởng nhận thấy rất ý nghĩa trong thực tế. Thế nhưng, hơn 15 năm rồi chưa làm được vì vướng nguồn vốn. “Do đó, trong nhiệm kỳ này, chậm nhất năm 2020, Bộ phải bố trí cho được kinh phí để triển khai một số vị trí xung yếu”, Bộ trưởng cam kêt. 

Đối với những hạng mục khác mà Đà Nẵng mong muốn thu hồi lại tiền, Bộ trưởng yêu cầu: “Cái nào triển khai rồi, cần xem kinh phí “trả nợ”. Đây là việc buộc phải làm”...

Đọc thêm