Kỳ Sơn - Nghệ An: 'Thông dịch viên' tuyên truyền pháp luật

(PLO) - Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới sát nước bạn Lào, nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em là Mông, Thái, Khơ mú, Hoa, Kinh, trong đó, 97% là người dân tộc thiểu số. Đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, đa số còn thấp, giao thông đi lại hết sức phức tạp. Nhưng với nhiệm vụ của ngành Tư pháp giao phó, Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, đạt được những thành tích đáng ghi nhận.
Kỳ Sơn - Nghệ An: 'Thông dịch viên' tuyên truyền pháp luật

Trong năm 2016, Phòng Tư pháp tiến hành kiểm tra 233 văn bản tại các xã Nậm Cắn, Mường Típ, Mường Ải, Huồi Tụ và Nậm Càn do HĐND và UBND ban hành, phát hiện 16 văn bản chưa đúng thể thức. Tiến hành kiểm tra và xử lý các văn bản trong địa bàn phát hiện 2.393/2.471 văn bản chưa đúng. 

Phòng Tư pháp phối hợp với các phòng, ban, ngành, cơ quan chuyên môn liên quan triển khai công tác thi hành pháp luật theo Đề án theo dõi thi hành pháp luật một cách nghiêm túc. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được chú trọng và quan tâm của hầu hết các ban, ngành địa phương.

Trong năm 2016, đã tổ chức tập huấn tuyên truyền pháp luật về Hiến pháp năm 2013, Luật Phòng chống buôn bán người, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…. cho 2.1/21 xã, thị trấn. Phối hợp tuyên truyền được 22 cuộc với tổng số 1.521 lượt người tham dự, tại cấp xã, thị trấn đã tổ chức được 42 cuộc với tổng số là 12.264 lượt người tham dự. 

Tổ chức tuyên truyền về phân luồng hướng nghiệp, tác hại của thuốc bảo vệ thực vật cho 40 bản trên 10 xã với số lượng đại biểu tham dự trên 2.400 lượt người. Giúp cho người dân nhận thức được việc đào tạo nghề cho con em mình sau khi tốt nghiệp THCS và THPT để có công việc làm ổn định, có thu nhập, hạn chế được tình trạng thất nghiệp và vi phạm vào các tệ nạn xã hội... Phối hợp với Toà án nhân dân huyện mở 12  phiên toà xét xử lưu động các vụ án về ma tuý, trộm cắp tại các địa phương có xảy ra điểm nóng về ma tuý. Phần nào đã làm cho nhân dân nhận thức được việc tác hại của ma tuý, đồng thời ngăn ngừa được việc buôn bán và sử dụng ma tuý trong quần chúng nhân dân.  

Trong năm 2016, 193 Tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 255 vụ việc, hòa giải thành 197 vụ việc, 58 vụ việc đang trong quá trình xác minh để tiếp tục hoà giải. Các vụ việc hoà giải liên quan chủ yếu các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, dân sự, đất đai và các lĩnh vực khác. Tư pháp toàn huyện đã tiến hành dăng ký khai sinh 1.897 trường hợp; 374 cặp đăng ký kết hôn, khai tử 150 người. Phối hợp với các phòng chuyên môn và UBND các xã lập và thẩm định tính pháp lý hồ sơ đưa 102 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và 2 đối tượng đưa đi giáo dục bắt buộc. 

Rất nhiều khó khăn phải đối mặt, trong đó một khó khăn cần nói đến là các thành viên Hội đồng và báo cáo viên đa số là kiêm nhiệm, địa bàn rộng giao thông đi lại khó khăn, ít dành thời gian đi cơ sở phối hợp với ban phổ biến pháp luật cơ sở, triển khai phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, trình độ văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số đa số còn thấp, hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế. Mật độ dân cư thưa, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, tình trạng di cư trái phép vẫn còn. Một số người cao tuổi và phụ nữ vùng sâu, vùng xa không biết tiếng phổ thông, nhận thức về pháp luật của nhân dân và một số cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế, các vụ việc xẩy ra tranh chấp chủ yếu giải quyết theo phong tục, tập quán của từng dân tộc.

Ông Hoàng Văn Hiếu, Trưởng phòng Tư pháp Kỳ Sơn cho biết, cán bộ tư pháp không biết nhiều tiếng đồng bào dân tộc thiểu số nên khi tuyên truyền pháp luật rất khó khăn. Tài liệu cũng không thể dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ của bà con nên khi tuyên truyền phải nhờ già làng trưởng bản, người có uy tín “thông dịch viên” lại. Địa hình cũng là một điều kiện gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ của cán bộ tư pháp.

“Xã Keng Đu cách xa trung tâm huyện 68km, nếu vào tận bản thì cũng ngót nghét 100km, nếu muốn đi tuyên truyền phải đi trước một ngày mới đến nơi chuẩn bị kịp. Ngoài ra, để tuyên truyền PBGDPL thì cũng tùy vào từng đặc điểm của cư dân nơi đó, nếu người Mông thì sẽ phải tuyên truyền ban ngày vì ban đêm họ đi ngủ sớm để sáng dậy đi làm rẫy. Còn với người Thái, Khơ mú thì có thể tuyên truyền ban đêm sẽ hiệu quả hơn… Mấy năm trở lại đây, việc tuyên truyền vận động việc kết hôn cận huyết thống cũng được giảm rõ rệt. Ngành Tư pháp cũng tham mưu cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín đưa ra hương ước để xử phạt người kết hôn cận huyết…”, ông Hiếu chia sẻ. 

Đọc thêm