Lai Châu: Đoàn kết, đổi mới để tạo đột phá vượt bậc

(PLVN) - Với quyết tâm chính trị cao, nhiệm kỳ tới, Lai Châu đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.
Một góc thành phố Lai Châu.
Một góc thành phố Lai Châu.

Thực hiện đạt và vượt 11/11 chỉ tiêu chủ yếu 

Nhiệm kỳ 2015-2020, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; bộ mặt thành thị, nông thôn có nhiều khởi khắc, đời sống Nhân dân từng bước ổn định và nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Với phương châm “Hành động, kỷ cương, hiệu quả”; bám sát mục tiêu thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại kinh tế, thực hiện đạt và vượt 11/11 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Nổi bật là kinh tế phát triển nhanh và khá toàn diện, 100% chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 11,55%/năm; ước tổng sản phẩm năm 2020 đạt 20.486 tỷ đồng, tăng 95,72% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 40 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015, tăng trưởng GRDP bình quân đầu người/năm đạt 11,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp. 

Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống, phát triển sản xuất vùng đồng bào tái định cư các công trình thủy điện quốc gia đạt được nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý là tỉnh đã huy động gần 900 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Giá trị tổng sản phẩm toàn ngành tăng bình quân 5,55%/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 220.000 tấn, đạt 110% Nghị quyết. Phát triển 3.280 ha lúa hàng hóa, sản lượng trên 16.500 tấn; mở rộng vùng chè 7.775 ha, trong đó trồng mới 4.263 ha, vượt chỉ tiêu Nghị quyết...

Duy trì, phát triển gần 8.000 ha các loại cây dược liệu: Thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy... Chăm sóc gần 13.000 ha cây cao su, đưa trên 6.700 ha vào khai thác, sản lượng mủ khô ước đạt 16.600 tấn, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, ổn định thu nhập, nâng cao đời sống của Nhân dân vùng cao su. 

Tỉnh cũng bảo vệ tốt 470.470 ha diện tích rừng hiện có, trong đó trồng rừng mới trên 10.900 ha, khoanh nuôi tái sinh gần 21.500 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 50,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đạt kết quả tích cực, chất lượng được nâng lên, thành phố Lai Châu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; đến năm 2020 huyện Tân Uyên và 39 xã (trên 40%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm toàn ngành tăng bình quân 37,02%/năm; giá trị sản xuất năm 2020 đạt 6.028 tỷ đồng, tăng 4,8 lần so với năm 2015. Tập trung phát triển thủy điện, tỷ trọng công nghiệp điện chiếm 87,9%.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện, quy hoạch trên 100 công trình thủy điện với công suất trên 3.500 MW, 70 dự án được triển khai, trong đó có 19 công trình hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy trên 2.200 MW, tổng sản lượng điện sản xuất giai đoạn 2016-2020 ước đạt trên 27,95 tỷ Kwh, năm 2020 đạt 5.947 tỷ Kwh tăng 5,7 lần so với năm 2015, đóng góp trên 50% nguồn thu ngân sách trên địa bàn và nâng cao thu nhập từ rừng cho nông dân.

Đáng chú ý, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa được tỉnh chú trọng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 ước đạt 200,2 triệu USD, giá trị xuất khẩu của địa phương ước đạt 72,8 triệu USD, tốc độ tăng bình quân ước đạt 19,53%/năm, tăng trên 12 điểm % so với Nghị quyết.

Tỉnh cũng luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư phát triển các thành phần kinh tế, toàn tỉnh có 1.511 doanh nghiệp, trong đó thành lập mới trong nhiệm kỳ 764 doanh nghiệp, có 1.353 doanh nghiệp kê khai thuế và đang hoạt động, tăng 101,33% so với năm 2015; 303 hợp tác xã, tăng 57 hợp tác xã so với năm 2015 và trên 10.000 hộ kinh doanh cá thể. Thu hút 147 dự án vào các lĩnh vực với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng trên 35.500 tỷ đồng.

Khai thác tiềm năng thế mạnh ở một số lĩnh vực trong đó có nông nghiệp.
 Khai thác tiềm năng thế mạnh ở một số lĩnh vực trong đó có nông nghiệp.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 4,75%/năm, ước năm 2020 còn 16,49%, giảm 23,91% so với cuối năm 2015 (theo chuẩn nghèo đa chiều); 02 huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động được triển khai tích cực, hằng năm có trên 6.200 lao động được đào tạo, giai đoạn 2016-2020 đào tạo 5.464 lao động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tăng 2.434 lao động so với giai đoạn trước, giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động/năm, đưa 576 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, luôn chủ động trong mọi tình huống. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; thường xuyên coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, thế trận lòng dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc.

Hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững 

Mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh và khá ổn định, nhưng tỉnh Lai Châu cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững, quy mô phát triển các lĩnh vực kinh tế chưa đáp ứng thị trường. Phát triển công nghiệp của tỉnh chủ yếu là công nghiệp thủy điện chiếm tỷ trọng lớn, phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến sâu sản phẩm phục vụ thương mại, dịch vụ, sản xuất sản phẩm nông nghiệp địa phương còn chậm…

 Ngoài những nguyên nhân khó khăn vốn có của tỉnh miền núi, biên giới chưa được khắc phục, chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan. Đó là việc xây dựng, quản lý quy hoạch, khai thác nguồn lực một số lĩnh vực hiệu quả thấp.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy cấp trên ở một số cấp ủy đảng chưa đáp ứng yêu cầu; một số hạn chế, yếu kém kéo dài chậm được khắc phục. Trình độ sản xuất của Nhân dân một số địa phương còn thấp; một số hủ tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại, một bộ phận Nhân dân vùng dân tộc thiểu số thiếu quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được từ nhiệm kỳ qua, kết hợp công tác dự báo tình hình thế giới, khu vực trong nước cũng như tại tỉnh Lai Châu, dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đặt ra những mục tiêu cùng với các giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Trong đó tỉnh đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội đạt mức trung bình của cả nước.

Cùng với mục tiêu tổng quát đó, Lai Châu cũng phấn đấu đạt tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm; 80% thôn, bản, khu dân cư có nhà văn hóa; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; Về môi trường trên 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý, 75% số xã, phường, thị trấn tại các huyện, thành phố được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt… tỷ lệ che phủ rừng ổn định trên 54%.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ tỉnh Lai Châu thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình, cách làm hay, hiệu quả, tạo sức lan toả trong xã hội. Từ đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong Nhân dân các dân tộc, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng trong sạch, phát triển vững mạnh.

Kết quả quan trọng của nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh giai đoạn 2020-2025. Lai Châu sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp... cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ luôn đoàn kết, đổi mới để tạo nên bước đột phá vượt bậc, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. 

Cùng với mục tiêu tổng quát, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Lai Châu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9-10%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 12,44%; công nghiệp, xây dựng 42,42%; dịch vụ 36,43%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trung bình 11,5%/năm; tổng lượt khách du lịch tăng bình quân 20%/năm. 

Đọc thêm