Lâm Đồng chấm dứt 5 dự án đầu tư hàng chục năm không triển khai, chỉ khai thác gỗ

(PLVN) - Thực hiện Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ và Thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chấm dứt hàng loạt dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ngày 21/1, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chấm dứt hoại động dự án “Sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt” tại huyện Đức Trọng của Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt; “Xây dựng tổ hợp nhà hàng, khách sạn, cà phê, karaoke” tại huyện Bảo Lâm của Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất khoáng sản Phú Gia Phát; “Khu du lịch sinh thái thác Đạ Sar tại huyện Lạc Dương của Công ty cổ phần Đạ Sar; “Khu biệt thự du lịch cao cấp” tại TP Đà Lạt của Doanh nghiệp tư nhân khách sạn Cựu Kim Sơn; “Khu du lịch sinh thái, mỏ nước khoáng và nghỉ dưỡng Quốc An” tại huyện Đức Trọng của Công ty Cổ phần Quốc An.

Một số doanh nghiệp được giao đất đã không triển khai dự án mà còn làm thiệt hại lâm sản và tài nguyên rừng.
Một số doanh nghiệp được giao đất đã không triển khai dự án mà còn làm thiệt hại lâm sản và tài nguyên rừng.

Nguyên nhân chấm dứt hàng loạt các dự án đầu tư là do các doanh nghiệp đã không triển khai bất kỳ hạng mục nào (từ 8 đến 13 năm từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư); ngoài việc khai thác gỗ, làm thiệt hại lâm sản và tài nguyên rừng, một số doanh nghiệp còn để người dân lấn chiếm đất thuộc dự án doanh nghiệp quản lý. 

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm chấp hành việc chấm đứt hoạt động dự án đầu tư; chủ động giải quyết các vấn đề, phát sinh tại dự án và tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; hoàn tất các nghĩa vụ tài chính có liên quan đối với Nhà nước theo quy định. UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án này, sau đó tổng hợp kết quả xử lý đối với các dự án gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện, thành phố, các cơ quan chức năng kiểm kê tài nguyên rừng, xác định thiệt hại lâm sản, tài nguyên rừng bị mất tại các dự án, chuyển Sở Tài chính xác định giá trị thiệt hại để yêu cầu doanh nghiệp bồi thường. UBND các huyện, thành phố giám sát việc chấp hành của nhà đầu tư, xử lý việc lấn chiếm đất rừng của người dân tại khu vực dự án.

Đọc thêm