Làng đá mỹ nghệ Non Nước vươn ra 'biển lớn'

(PLO) - Làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) vốn được biết đến là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất Đà Nẵng. Ở đây, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, đá núi được thổi hồn để mang hơi thở cuộc sống. Cũng từ đó, làng đá Non Nước có tên trên bản đồ nghệ thuật điêu khắc đá thế giới…
Cần mẫn sáng tạo để sản phẩm làng nghề đi khắp năm châu.
Cần mẫn sáng tạo để sản phẩm làng nghề đi khắp năm châu.

Làng nghề truyền thống lâu đời

Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức công nhận Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo đó, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã hội đủ 4 tiêu chí theo quy định của Luật Di sản Văn hóa: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Dưới chân núi Thủy Sơn (danh thắng Ngũ Hành Sơn), nhiều người dễ dàng tìm được một cơ sở đá mỹ nghệ Non Nước ưng ý để tham quan. Vườn tượng với đủ hình dạng từ tượng phật, thiếu nữ, tượng động vật, cả những bức mang phong cách Chămpa độc đáo…

Làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành từ giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII. Ông tổ nghề là một người quê gốc Thanh Hóa, tên Huỳnh Bá Quát, người đã có công đem nghề đá từ xứ Thanh vào Đà Nẵng. Tại làng hiện nay vẫn còn nhà thờ “Thạch Nghệ Tổ sư”. Ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm được coi là giỗ Tổ của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Theo anh Phan Thanh Vinh, một thợ đá lâu năm của làng nghề, 2 năm nay, để đảm bảo môi trường tránh ô nhiễm bụi đá và tiếng ồn, những cơ sơ cưa cắt khối đá lớn nhằm định hình ban đầu cho tượng được quy hoạch đưa vào khu vực cách danh thắng Ngũ Hành Sơn khoảng 1km. Việc chế tác ra sản phẩm ở công đoạn cuối để đưa đi khắp các nước trên thế giới, mới thực hiện tại khu vực quanh danh thắng.

Ban đầu, ở vùng này, số người biết nghề làm đá không nhiều. Sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương, như các loại cối giã gạo, cối xay ngũ cốc hoặc các bia mộ được khắc bằng đá.

Đến khoảng đầu thế kỷ XIX, khi triều Nguyễn cho xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm, nghề đá ở đây có điều kiện phát triển, uy tín của làng nghề cũng nâng cao, một số thợ giỏi được triều đình phong hàm Cửu phẩm, nhiều thợ của làng được mời đi làm nghề ở khắp nơi.

Nghệ nhân làng Non Nước tạo hình bức tượng Phật bằng bạch ngọc.
Nghệ nhân làng Non Nước tạo hình bức tượng Phật bằng bạch ngọc.

Trước kia, đá nguyên liệu thường được khai thác tại núi đá Ngũ Hành Sơn, chủ yếu đá cẩm thạch, có nhiều màu sắc, hoa văn đẹp như màu đỏ, đen, trắng, kết cấu mịn, mềm, dễ đục. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu tại chỗ ngày càng cạn kiệt, từ năm 1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ra quyết định không cho phép khai thác đá ở Ngũ Hành Sơn nữa, thợ làng nghề phải nhập đá từ các nơi khác về.

“Về sau, làng đá cũng qua nhiều thăng trầm, có những lúc tưởng không trụ lại được. Nhưng nhờ tình yêu nghề, thợ còn chịu cực nhọc với đá... nêcơ sở n mới có ngày hôm nay”, anh Vinh bộc bạch.

Theo chân anh Vinh đi hết các cơ sở khác trên đường Huyền Trân Công Chúa, đường Nguyễn Duy Trinh, len lỏi trong nhiều con hẻm nhỏ, đâu đâu cũng nghe thấy những tiếng cưa tiếng cắt, tiếng mài, tiếng đục đẽo vang lên trong một không gian sôi động của làng nghề. Về công đoạn để ra sản phẩm đá, anh Vinh cùng nhiều nghệ nhân khác đúc kết, một sản phẩm nghệ thuật ra đời đúng ý, nghệ nhân phải biết chọn đá phù hợp với sản phẩm, đồng thời cũng dựa trên nét đẹp hình khối vốn có của đá.

Sản phẩm nào cũng có nhiều hình dáng khác nhau, không cái nào giống cái nào. Muốn được như vậy, trước hết nghệ nhân phải luôn làm mới ý tưởng cũng như kết hợp hài hòa yếu tố thẩm mỹ, cộng với một đôi tay tài hoa mới có thể làm được.

 “Khi có nguyên liệu, thợ điêu khắc đá sẽ tạo hình sản phẩm ở dạng thô. Đó là công đoạn ra phôi. Khi phôi hoàn thành, người thợ sẽ làm các chi tiết để hoàn thiện sản phẩm, như: chạm hình nét, trang trí hoa văn, mài, đánh bóng sản phẩm. Công đoạn thực hiện chi tiết, thể hiện kỹ thuật chạm khắc đá và đôi tay vàng của người thợ. Ngoài quy trình chung cho tất cả các sản phẩm, mỗi loại đá lại có yêu cầu kỹ thuật cụ thể mà những người như anh tôi cũng phải học rất nhiều”, anh Vinh tóm gọn.

Đưa nét tài hoa người Việt ra thế giới

Nhiều nghệ nhân ở Ngũ Hành Sơn chia sẻ thêm, do ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Chămpa từ Thánh địa Mỹ Sơn, làng đá mỹ nghệ là sự giao thoa một cách hài hòa của hai nền văn hóa Việt Cổ và Chămpa.

Điều này đã tạo nên dòng chảy phong phú cả về sự sáng tạo lẫn hình tượng nghệ thuật để mang đến những tác phẩm đầy sức sống theo thời gian. Mỗi tác phẩm không chỉ được đục đẽo, mài gọt bằng bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh anh, mà ở đó, người nghệ nhân còn gửi gắm tình cảm và thổi hồn sức sống cho “đứa con” của mình.

Thổi hồn vào đá Ngũ Hành Sơn để có tác phẩm nghệ thuật.
Thổi hồn vào đá Ngũ Hành Sơn để có tác phẩm nghệ thuật.

Nói đến Làng nghề mỹ nghệ Non Nước, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng không khỏi tự hào. Bởi theo ông, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ẩn chứa các lớp lịch sử, văn hóa trong từng công đoạn của nghề, sản phẩm và đây không chỉ là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân địa phương và còn niềm vinh danh đất Việt.

Thống kê địa phương cho thấy, làng nghề này có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, tập trung xung quanh khu vực dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn với gần 4.000 lao động, chiếm gần 80% hộ dân cư trên các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa (khu vực Đông Hải, phường Hòa Hải).

Tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có nhiều nghệ nhân nổi tiếng, nhiều gia đình có tới bảy tám thế hệ làm nghề điêu khắc đá. Có thể nói, mỗi tác phẩm điêu khắc là một thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa và cần mẫn.

Đặc biệt, sau sự kiện APEC 2017 tại Đà Nẵng, tác phẩm tượng đá “Khởi nguyên” của một nghệ nhân trong làng- ông Nguyễn Long Bửu (59 tuổi, Ngũ Hành Sơn) được chọn trưng bày tại vườn tượng ở Công viên APEC, đã làm cho tiếng tăm của làng đá Non Nước vang xa khắp thế giới.

Ông Bửu kể lại, tác phẩm lấy cảm hứng từ sự hội tụ của những khối cây cổ thụ. Những khối cây này biểu tượng cho sự cộng hưởng sức mạnh với muôn vàn cột rễ xuất phát từ lòng đất, đan cài, tương hợp với nhau tạo nên sức mạnh khổng lồ đang vươn lên kiêu hãnh và giãn nở trong không gian mới.

Vì bức tượng làm bằng đá Granite nguyên khối, cao 3m nên việc tìm kiếm nguyên liệu rất khó khăn. Bản thân ông phải lăn lộn nhiều nơi, cuối cùng tìm được khối đá ở vùng núi cao phía tây cách TP Thanh Hóa gần 300km. Quá trình vận chuyển khối đá về Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, ông Bửu cũng có 2 tác phẩm “Niềm hạnh phúc” và “Bố cục” đoạt giải Điêu khắc quốc tế tại Thái Lan và giải thưởng Việt Nam phát triển Văn hóa Thụy Điển.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng tâm tình, cũng chính vì Đà Nẵng có làng đá Non Nước nổi tiếng hơn 300 năm tuổi, nên khi sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng được coi là cơ duyên để ý tưởng, khát vọng về một công viên tượng đá quy mô của Việt Nam thành hiện thực như hôm nay. Từ đó, làng đá Non Nước thêm một lần nữa, đưa nét tài hoa người Việt vươn ra thế giới!

Đọc thêm