Liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và Tiểu vùng Đồng Tháp Mười: Một hành trình - Ba điểm đến

(PLO) - Chiều 21/10, tại TP Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức chương trình “Gặp mặt giữa TP HCM với 3 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười”. Tại đây, các bên đã trao đổi về những giải pháp thực hiện Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười, trong đó nhấn mạnh TP HCM tập trung thể hiện rõ vai trò đi đầu, tạo nguồn lực lớn để gắn kết cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười phát triển.
Ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Mình với 3 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Mình với 3 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Đây là Đề án được hình thành dựa trên liên kết không gian 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang; theo đó, 3 tỉnh sẽ liên kết ở các nội dung như: tái cơ cấu nông nghiệp để xây dựng thương hiệu nông sản chung của Đồng Tháp Mười bên cạnh những thương hiệu nông sản riêng của từng tỉnh; liên kết để quản lý tài nguyên nước; liên kết phát triển du lịch…

Với những điều kiện thuận lợi của 3 tỉnh, ý tưởng liên kết phát triển du lịch “1 hành trình - 3 điểm đến”, trong đó TP HCM là hạt nhân đã được nêu ra tại chương trình. Theo ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ngoài du lịch, các bên cần tập trung thực hiện tốt việc gắn kết là phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp. Ông Tất Thành Cang kêu gọi doanh nghiệp TP HCM đầu tư nhà máy chế biến tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao tại vùng Đồng Tháp Mười sẽ đem lại hiệu quả hơn.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá cao sự liên kết của các địa phương trong Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời cho rằng du lịch có những lợi thế, đặc trưng rất riêng, do đó các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười phải phát huy lợi thế sẵn có để ngày càng phát triển hơn nữa.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý muốn phát triển du lịch trong sự gắn kết, trước hết phải chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đổi mới phương thức kêu gọi xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh công tác truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh du lịch. Cùng với đó, cần quán triệt tư tưởng phát triển du lịch địa phương phải đặt trong mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng, chú trọng việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sự phát triển bền vững hệ sinh thái. Riêng đối với TP HCM phải giữ vai trò đầu tàu, phải đi đầu trong việc gắn kết, tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển.

Bên cạnh việc phát triển du lịch, các tỉnh cần chú trọng liên kết trong tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông sản; thương mại dịch vụ; bảo vệ quản lý khai thác tài nguyên nước. Đồng thời xây dựng chương trình dự án ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, bảo vệ hệ sinh thái và không gây ô nhiễm môi trường. 

Đọc thêm