Lội ngược dòng chở lan về rừng

(PLO) - Trăn trở trước tình trạng những giống lan rừng Tây Nguyên đang ngày càng cạn kiệt, anh Võ Văn Công (40 tuổi, ngụ đường Lê Thánh Tôn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã làm một việc “ngược đời” là săn lùng những quả lan quý rồi mang vào các khu rừng để nhân giống.
Lội ngược dòng chở lan về rừng

Phát hiện loài lan mới cho thế giới

Hơn chục năm qua ở phố núi Pleiku, những người sành về hoa lan đều biết tiếng anh Công khi sở hữu nhiều loại lan quý hiếm. Trong khu vườn lan rộng tầm 600m2 của anh Công, cơ man hàng nghìn cây hoa lan đang treo trên giàn, mọc dưới đất hay trồng trong chậu với hơn 800 loài phong lan, địa lan, trong đó có các loại lan quý như trầm rừng, hoàng thảo…

Việc sưu tầm hoa lan của anh Công cũng rất tình cờ. Cách đây gần 20 năm, trong những lần theo người chú vào rừng khai thác gỗ, anh Công thấy rất nhiều cành lan khoe sắc rực rỡ bám đầy trên những thân cây bị đốn hạ. Nhìn hoa nở đẹp, thấy tiếc nên anh mang về treo sau nhà để ngắm.

Không biết từ lúc nào, sự yêu thích về loài hoa nằm trong số những loài hoa đẹp nhất thế giới này ngấm sâu vào máu anh Công. Anh bắt đầu cất công sưu tầm, không ngừng bổ sung những loài lan mới cho vườn lan của mình. Rồi, bộ sưu tập về các loài hoa lan của anh cứ thế ngày một đồ sộ hơn.

“Kể cũng lạ, người ta vào rừng khai thác gỗ thì chỉ để ý đến gỗ, còn tôi thì lại nổi máu nghệ sĩ, để ý đến lan rừng. Cũng vì cái sự thích thú từ những ngày đầu như vậy mà đến giờ tôi đã có được bộ sưu tập lan rừng với hơn 800 loài lan khác nhau”, anh Công cho biết. Những chuyến đi rừng tìm lan của anh khi thì 5 ngày, có khi đến nửa tháng ăn ngủ trong rừng. 

Cũng nhờ đam mê này, anh Công đã đưa nhiều loài hoa lan ở Việt Nam vào danh sách các loài hoa lan trên thế giới. Đầu năm 2016, cây lan do anh Công phát hiện ở rừng Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) được công nhận là một loài lan mới. Loài lan này đã trình làng với giới chơi lan trong nước và quốc tế. Điều đặc biệt, loài lan này được mang tên người có công phát hiện. Cũng từ đó, anh Công góp tên mình vào danh mục các loài hoa lan trên thế giới. 

Nói về cơ duyên tìm ra loài lan quý hoàng thảo Công Võ, có tên khoa học là Dedrobium Congiianum, anh Công kể: “Vào một buổi chiều tháng 3/2016, tôi đang mỏi mắt nhìn lên những cây rừng cao vút trong vùng rừng sâu thuộc huyện Tu Mơ Rông, bỗng thấy một cụm lan vài chục bông trắng phớt trên một cây cao. Nhìn kỹ lại thấy nó khác với những loại lan mình tìm lâu nay làm tim tôi đập nhanh hơn. Định thần lại, tôi tìm cách leo lên lấy được cụm lan đang bung hoa”.

“Nhìn những cành hoa mỏng trắng tinh khôi, tôi có cảm nhận đây là loài mới. Tôi cẩn thận chụp hình lại rồi đưa lan về. Tôi chụp tiêu bản, gửi email cho giáo sư người Nga Leonid A Veryanow - một chuyên gia về phong lan có uy tín trên thế giới. Và tin vui đến cũng rất nhanh là vào ngày 28/4/2016, Hiệp hội Hoa lan quốc tế công nhận đây là loài lan mới và lấy tên tôi đặt cho loài lan này”, anh Công vui vẻ cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù cuồng mộ với hoa lan nhưng anh Công không bất chấp hay đánh đổi mọi thứ để sở hữu những cây lan quý hiếm. Anh tâm niệm nếu có duyên thì cây đợi người. Anh kể, có loài lan mới anh muốn đưa về vườn, nhưng nhiều lý do “tế nhị” anh không sở hữu được. Mặc dù tiếc hùi hụi nhưng anh cũng từ bỏ ý định vì không muốn mất nhiều thời gian, tiền bạc để đeo đuổi.

Thế nhưng, điều bất ngờ lại đến với anh, chưa đầy một tuần sau, không biết trùng hợp thế nào một người bạn đã chuyển tặng đúng loài hoa lan anh đang cần. “Rất nhiều loài lan rất khó trồng, chỉ sống ở nơi lạnh lẽo và rất nhạy cảm với những sự thay đổi về khí hậu, thời tiết, đất trồng… Do vậy, nếu mang chúng ra khỏi nơi đang sinh sống, cây sẽ chết dần, chết mòn”, anh Công nhận định.

“Trả lại mầm sống cho tự nhiên”

Theo anh Công, trong quá trình chăm lan, anh hay thụ phấn các loại lan rồi lấy quả lan tự trồng trong vườn. Kết quả, sau một thời gian, hạt lan nảy mầm rồi phát triển bình thường, góp phần làm phong phú vườn lan. Năm 2014, anh anh thấy phong trào chơi lan bùng phát mạnh mẽ. Nhiều người đổ xô vào rừng thu gom lan về bán, cộng với việc rừng càng suy giảm nên lan rừng ngày càng cạn kiệt.

“Tôi sợ với cái đà khai thác lan ồ ạt sẽ khiến lan tuyệt chủng. Tôi muốn làm gì đó để bảo tồn lan. Tôi nghĩ hạt lan trồng trong vườn với điều kiện thiếu thốn còn phát triển được, thì đưa về rừng trồng sẽ lên tốt hơn. Nghĩ thế nên tôi quyết định gom quả lan để mang vào rừng gieo”, anh Công chia sẻ.

Tháng 3/2014, anh Công lên kế hoạch thực hiện chuyến “Trả lại mầm sống cho tự nhiên” đầu tiên. Trước khi đi, anh ra vườn cắt khoảng 50 quả lan với dòng lan chính là kiếm và hoàng thảo. Sau đó, nhóm của anh gần 10 người chạy xe máy lên khu rừng thuộc xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) và tuyển chọn những vạt rừng có điều kiện phù hợp với đặc tính sinh trưởng của từng loại lan rồi tiến hành gieo.

Lần thứ 2 diễn ra vào tầm cuối tháng 4/2016, với địa điểm được chọn là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang, Gia Lai). Lần này, anh chọn 60 quả lan thuộc các loại giáng hương, kiếm, hoàng thảo… Lần thứ 3 diễn ra sau đó một tháng cũng tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, với hơn 100 quả lan thuộc các nhóm địa lan và phong lan.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được công nhận là Vườn di sản ASEAN, ở độ cao 800m so với mực nước biển. Nhóm của anh Công đến nơi có những cánh rừng rậm rạp và lớp thực bì dày, chia nhau từng quả lan rồi xé vỏ, lắc nhẹ tay để hàng triệu hạt lan bay trắng cả một vùng rừng với hy vọng hồi sinh cho những loài lan rừng.

“Lúc gieo hạt cho đến khi lan sinh trưởng phải mất cả năm. Tôi đã vẽ lại toàn bộ sơ đồ để còn đến kiểm tra kết quả. Nếu thành công, tôi sẽ làm tiếp. Từ việc trả nghĩa rừng, trả lại mầm sống cho tự nhiên này, tôi hy vọng mọi người cũng có ý thức bảo vệ những loài lan rừng”, anh Công bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) cho biết: “Giữa anh Công và các phòng nghiệp vụ của vườn hay hợp tác để cùng nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn lan. Hai lần anh Công đưa lan về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh gieo đều hỏi ý kiến tôi. Những loại lan anh Công mang gieo đều có nguồn gốc bản địa. Việc gieo lan trong rừng nhằm làm phong phú, đa dạng vườn sinh học của vườn. Tôi đánh giá cao và ghi nhận tinh thần của anh Công”. 

Đọc thêm