Lời ru buồn ở Cán Tỷ

(PLO) - Cán Tỷ là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) với 8 thôn bản, 935 hộ gia đình là người dân tộc Mông sinh sống. Do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa, dân trí thấp nên nhiều năm qua, vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình luôn là một áp lực cần được giải quyết ở đây. 
Vợ chồng anh Vàng có tới 5 đứa con.
Vợ chồng anh Vàng có tới 5 đứa con.

Theo thống kê của Trạm y tế xã Cán Tỷ, số trẻ được sinh ra trong 6 tháng đầu năm là 26 cháu, sinh con thứ 3 trở lên là 8 cháu, chiếm 30,7%. Toàn xã có trên 1000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó số phụ nữ đã có chồng nhưng chưa áp dụng biện pháp tránh thai là 236 người. Mấy năm nay, Cán Tỷ luôn trong tình trạng vượt kế hoạch với số trẻ là con thứ 3 trở lên thường xuyên ở mức cao. 

Theo chân cán bộ y tế xã, chúng tôi tới thăm nhà chị Thào Thị Giàng, ở thôn Xín Suối Hồ. 35 tuổi nhưng chị Giàng đã có một đàn con 5 đứa (4 gái, 1 trai); con gái lớn của chị năm nay 18 tuổi, con gái út thì mới được vài tháng tuổi. Gia đình chị luôn ở trong diện hộ nghèo, với diện tích đất canh tác ít ỏi 500m2, nhà chăn nuôi 1 con lợn, 1 con bò; thu nhập khoảng 15 triệu đồng/năm. Chị Giàng tâm sự: “Mình đẻ nhiều cũng thấy vất vả nhưng thấy ngại và sợ đi tránh thai ở Trung tâm y tế xã lắm”. Do nhà nhiều con, kinh tế lại không khá giả nên các con của chị không được học hành mà phải đi làm việc phụ giúp gia đình như: làm nương, chăn bò... ít có sự quan tâm của bố mẹ. 

Nói về việc sinh nhiều con, anh Giàng Mí Vàng (chồng chị Giàng) giãi bày: “Vì muốn có con trai nên vợ chồng tôi mới phải cố, cố mãi cũng chỉ được có 1 đứa trai”. Khi được hỏi anh chị sinh nhiều con như vậy làm sao lo cho các cháu ăn học đầy đủ và cuộc sống tương lai sau này? Hai vợ chồng đều cho rằng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, sinh con ra cho nó có đủ ăn là được, sau này lớn lên thì chúng tự lo thân.

Tư tưởng lạc hậu “khát” con trai, “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại trong các gia đình ở đây. Tới thăm nhà anh Giàng Chù Trí ở thôn Xín Suối Hồ mà ái ngại, đại gia đình anh gồm 2 vợ chồng, 4 đứa con và bố đẻ của anh ở trong một căn nhà dựng bằng tre nứa ọp ẹp, diện tích chưa đầy 20m2. Trong nhà, ngoài 2 chiếc sạp, nồi niêu ra thì không có thêm đồ đạc gì. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã, nhà chỉ có nương ngô nhỏ, mỗi năm trồng được 4kg giống.

Trưởng thôn Xín Suối Hồ cho biết, thôn có quy ước mỗi gia đình sinh con thứ 3 trở lên phải nộp từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng; thế nhưng đa số các hộ đều nghèo nên không có tiền nộp. Chị Hà, cán bộ y tế xã Cán Tỷ chia sẻ, hầu hết các hộ sinh con thứ 3 trở lên đều là hộ nghèo, ở các thôn xa, điều kiện đi lại rất khó khăn. Bản thân người dân rất ít đến y tế xã, cán bộ y tế đến tuyên truyền, vận động họ sử dụng các biện pháp tránh thai cũng rất vất vả, phải đi cả ngày trời mới tới nơi, mà có khi đến họ lại đi làm nương xa, không có ở nhà.

Đề cập đến vấn đề này, ông Sầm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ cho biết: “Trong những năm qua, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan nên hiệu quả công tác vẫn còn hạn chế. Cụ thể, trình độ nhận thức của đồng bào còn kém, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt không tập trung, đường giao thông đi lại khó khăn nhất là 4 thôn cao, đời sống kinh tế của nhân dân còn thấp... Công tác tuyên truyền về dân số gặp nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ y tế mỏng. Hiện xã đã vận động nhân dân ký cam kết thực hiện chính sách dân số, chú trọng công tác tuyên tuyền ở một số thôn xa trung tâm xã, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao. 

Hy vọng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các ban ngành, đoàn thể, Cán Tỷ sẽ giảm được tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện cuộc sống, có điều kiện nuôi dạy quan tâm chăm sóc trẻ tốt hơn.

Đọc thêm