Mang Yang ưu tiên nguồn lực chăm lo gia đình chính sách

(PLO) - Trong những năm qua, công tác chăm lo, hỗ trợ cho các gia đình chính sách, người có công với Cách mạng hoặc các làng căn cứ Cách mạng trên địa bàn huyện Mang Yang (Gia Lai) luôn được cấp ủy, chính quyền và các ban ngành chức năng đại phương quan tâm, thể hiện rõ nét truyền thống đạo lý tri ân “Uống nước nhớ nguồn” bằng các hoạt động thiết thực, đậm chất nhân văn.
Anh Nguyễn Quốc Hưng đang trao đổi kinh nghiệm chăm sóc vườn tiêu của gia đình
Anh Nguyễn Quốc Hưng đang trao đổi kinh nghiệm chăm sóc vườn tiêu của gia đình

Ưu tiên vốn cho gia đình chính sách

Góp phần vào hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn này, NHCSXH huyện Mang Yang đã thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa Đảng với dân, kết nối và chuyển tải các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi đến tận tay các gia đình chính sách, gia đình có công Cách mạng.

Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Mang Yang (Gia Lai) hiện nay đạt trên 220 tỷ đồng với 10.600 hộ vay. Doanh số cho vay trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay đạt 54 tỷ đồng với 2.100 hộ vay, doanh số thu nợ đạt 40 tỷ đồng.

Để nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương rà soát, nắm tình hình và nhu cầu thực tế. Trong trường hợp đối tượng chính sách, người có công hầu hết đã cao tuổi, nếu thành viên của gia đình còn trong độ tuổi lao động, có nhu cầu vay vốn thì NHCSXH tạo mọi điều kiện để được vay vốn phát triển SXKD, ổn định cuộc sống.

Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Quốc Hưng ở thôn Tân Phú, xã Đak Drjăng đang chăm sóc người cha là thương binh hiện đã 93 tuổi. Anh cho biết, xã tôi ai cũng biết đến NHCSXH, do đó tôi đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng 3 năm trước để SXKD đầu tư chăm sóc 1.000 trụ tiêu, 1.500 cây cà phê đang trong giai đoạn phát triển sinh trưởng tốt.

Để trang trải sinh hoạt trong gia đình, anh còn mở một gara bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô cho bà con trong vùng. Nhờ đó, gia đình luôn có nguồn thu nhập để chi tiêu hằng ngày cũng như trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Riêng mùa thu hoạch năm ngoái, gia đình anh thu về hơn 3 tấn tiêu, 8 tấn cà phê. Có được kết quả này, anh Hưng chia sẻ: “Đồng vốn ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu của gia đình tôi để mua vật tư phân bón chăm sóc 2 vườn cây, lãi suất luôn ưu đãi, ổn định”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Lành thuộc diện gia đình chính sách. Bên cạnh hoạt động SXKD phân bón và nông sản, chị Lành còn tham gia sinh hoạt tại chi hội phụ nữ thôn Tân Phú, xã Đak Drjăng và vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình SXKD vùng khó khăn. Chị Lành tâm sự: “Ngoài mục đích vay vốn để SXKD của gia đình, tôi cũng mong muốn tạo động lực thúc đẩy các chị em trong chi hội. Hiện nay, chi hội có 11 hội viên vay vốn NHCSXH. Tham gia sinh hoạt hội, hầu hết chị em đều chí thú làm ăn, mạnh dạn chia sẻ, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất”. 

Song song với hoạt động SXKD rất hiệu quả, gia đình chị Lành đang chăm sóc 1ha cà phê, đầu tư trồng thêm sầu riêng và bơ. Theo chị Lành, việc kinh doanh vật tư phân bón rất cần vốn để xoay sở. Mặc dù mức cho vay của NHCSXH còn ít nhưng đồng vốn đã phát huy hiệu quả trong hoạt động SXKD của mọi gia đình, trong đó có gia đình tôi.

Tăng cường tín dụng vùng khó khăn

Lấp đầy khoảng trống tín dụng vùng đặc biệt khó khăn là định hướng xuyên suốt trong quá trình hoạt động của NHCSXH. Tại xã Lơ Pang - một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, hoạt động tín dụng chính sách đã phủ sóng hầu hết ở khắp các thôn, làng. Đặc biệt, ngay tại làng căn cứ Cách mạng Pyầu, nếu như đầu năm 2018, dư nợ là 1,1 tỷ đồng với 58 hộ vay, đến nay đã tăng lên 1,7 tỷ đồng cho 72 hộ vay, tỷ lệ tăng trưởng là 50%.

Lãnh đạo NHCSXH huyện Mang Yang cho biết: Nếu bà con có nhu cầu, đủ điều kiện thì NHCSXH sẵn sàng đáp ứng vốn cho bà con để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. “Trong thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm... để bà con Pyầu mở rộng SXKD, phát triển kinh tế gia đình bền vững hơn”, Lãnh đạo NHCSXH huyện cho biết thêm.

Hiện nay trên địa bàn huyện Mang Yang còn 2 làng đặc biệt khó khăn là Pyầu thuộc xã Lơ Pang và Đak Ptưk, xã Đak Jơ Ta. Sau Pyầu, NHCSXH huyện đang làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con làng Đê Ptưk mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kết hợp với KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con ổn định cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững.

Đọc thêm