Mường Nhé, Điện Biên: Ồ ạt phá rừng, di dân tự do

(PLO) -Những năm qua, dân di cư tự do vào huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên gia tăng dẫn tới tình trạng phá rừng ồ ạt làm nương khiến hơn 500ha rừng bị chặt hạ.
Rừng Mường Nhé tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng.
Rừng Mường Nhé tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng.

Chính phủ đã ban hành “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015” song đến nay, dự án này vẫn chưa hoàn thành. Dù lực lượng Bộ đội Biên phòng căng mình trong “cuộc chiến” giữ rừng nhưng tình hình di dân vẫn phức tạp, nạn phá rừng vẫn tiếp diễn.  

Tan hoang rừng Mường Nhé

Huyện Mường Nhé có hơn 71.000ha rừng, trên tổng diện tích tự nhiên 250.790ha, là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất toàn tỉnh Điện Biên. Toàn bộ rừng của huyện vùng cao này đều thuộc rừng phòng hộ xung yếu cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dân di cư tự do chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông vào Mường Nhé gia tăng dẫn đến tình trạng phá rừng ồ ạt làm nương. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, cơ quan chức năng phát hiện 31 hộ, 109 khẩu mới di cư vào địa bàn. 

Công tác bảo vệ rừng đã trở nên quá sức đối với lực lượng Kiểm lâm cũng như chủ rừng, khi lượng người di cư tự do ồ ạt kéo đến và phá rừng trên một địa bàn rộng trải khắp 11 xã trong huyện, nhất là các xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé…

Theo thống kê của Kiểm lâm, từ năm 2013 đến nay, Mường Nhé có trên 500ha rừng bị chặt hạ. Theo báo cáo của Công an huyện Mường Nhé, con số này còn lớn hơn nhiều. Từ tháng 10/2015 đến tháng 12/2016, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 400 vụ phá rừng, gây thiệt hại 375ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Người dân ở bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn, Mường Nhé cho biết: Trước năm 2000, bản quản lý gần 1.000ha rừng, cộng đồng bản cùng nhau bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. 5 năm gần đây, người dân di cư tự do ồ ạt đổ bộ vào xã Leng Su Sìn phá rừng, chiếm đất làm nương, khiến người dân bản Phứ Ma bất lực.

Từ năm 2011 đến nay có trên 400 hộ dân di cư vào bản Cà Là Pá kế bên, phá đi hàng chục héc ta rừng để làm nương, bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền địa phương. Trong vòng 1 năm qua, hơn 25 hộ dân mới di cư vào bản Nà Pán, xã Mường Nhé đã triệt hạ trên 200ha rừng để làm nương. Nhiều cánh rừng hôm qua còn xanh tốt, chỉ qua một đêm đã bị chặt hạ hoang tàn.

Đại úy Trịnh Văn Thắng - Chính trị viên phó Đồn BP Leng Su Sìn cho biết: “Thực tế cho thấy, hầu hết các đối tượng phá rừng ở Mường Nhé không phải để lấy gỗ. Họ đốn hạ cây rừng chờ cho đến khi thân cây khô thì đốt để lấy đất trống làm lúa nương 1 vụ.

Sau khoảng 2-3 vụ lúa nương, đất đai không được bón phân hay cải tạo trở nên cằn cỗi, họ lại bỏ lại mảnh đồi này và đi tìm khu rừng khác để đốn hạ cây lấy đất làm nương. Với phương thức sản xuất đó, rừng ở Mường Nhé đã bị triệt phá chỉ để lấy đất làm nương”.   

Cuối tháng 3/2017, Đồn BP Leng Su Sìn đã phát hiện, xử lý 3 vụ phá rừng với diện tích trên 19.000m2 trên địa bàn đơn vị quản lý và vận động được 11 hộ, 34 nhân khẩu di cư tự do mới vào địa bàn trở về quê cũ...

Một đối tượng phá rừng bị Tổ công tác liên ngành bắt giữ trong lõi rừng đặc dụng.
Một đối tượng phá rừng bị Tổ công tác liên ngành bắt giữ trong lõi rừng đặc dụng.

“Cuộc chiến” giữ rừng

21 giờ ngày 4/3/2017, Tổ công tác liên ngành số 1 tiến hành vây bắt 2 đối tượng dùng cưa máy khai thác rừng ở địa phận bản A Di (xã Leng Su Sìn). Tại hiện trường, 13.000m2 rừng bị phá, “lâm tặc” Vừ A Vư (SN 1979, mới di cư đến bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn) liều lĩnh dùng cưa máy chống trả lực lượng làm nhiệm vụ để bỏ trốn.

Ngày 19/3, Tổ công tác liên ngành khi bắt quả tang đối tượng Vàng A Di (SN 1994, trú tại bản Cà Lá Pá) chặt phá 5.100m2 rừng trong lõi rừng phòng hộ thuộc bản Phứ Ma, đã vấp phải sự phản kháng của 40 người là họ hàng của Di. Sau 2 giờ kiên trì tuyên truyền, Đồn BP Leng Su Sìn và lãnh đạo chính quyền xã mới thuyết phục được người dân nhận thấy sai phạm, tự giác giải tán về nhà.

“Cuộc chiến” giữ rừng thực sự căng thẳng khi một số phần tử xấu kích động người dân chống đối lại Kế hoạch số 420/KH-UBND ngày 22/2/2017 của UBND tỉnh Điện Biên về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn huyện Mường Nhé (Kế hoạch 420). Đỉnh điểm là ngày 20/3/2017, “nhóm đạo liên hữu Cơ đốc giáo” bản Cà Lá Pá do Vừ Sái Lầu (SN 1981) làm trưởng nhóm đã vận động tín đồ trong bản gọi con em đang học tại các trường trong xã và huyện Mường Nhé bỏ học về nhà, gây áp lực với chính quyền.

Số học sinh bỏ học ban đầu là 315 trên tổng số 737 học sinh. Sau đó, Vừ Sái Lầu trực tiếp đến gặp Tổ công tác liên ngành số 1 đề nghị chỉ xử phạt hành chính các đối tượng phá rừng và yêu cầu chính quyền cho người dân được làm nương tại những diện tích đất rừng mới bị phá.

Khi các cơ quan chức năng bác bỏ những yêu cầu phi lý, trái pháp luật của Vừ Sái Lầu, nhóm đối tượng này đã nhóm họp bàn cách kích động nhân dân trong bản tụ tập đông người đến trụ sở UBND xã Leng Su Sìn để gây áp lực với chính quyền.

Trước tình hình trên, Đồn BP Leng Su Sìn đã kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương và người có uy tín trong cộng đồng tổ chức tuyên truyền cho dân bản Cà Lá Pá chấp hành nghiêm pháp luật, không tin, không nghe những lời kẻ xấu xúi giục và vận động học sinh trở lại trường học. Nhận thức ra âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, nhân dân trong bản đã đồng loạt đưa con em trở lại trường học.

Đến ngày 5/4/2017, toàn bộ học sinh bản Cà Lá Pá đã đến trường học bình thường. Đồn BP Leng Su Sìn tiếp tục làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu thông qua 2 buổi họp dân tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đó, 42 người dân bị kẻ xấu kích động đã nhận thức ra hành vi sai phạm và ký cam kết không tham gia, tiếp tay cho phá rừng và không nghe theo lời kẻ xấu lôi kéo di cư tự do.

Sau đó, tại cuộc họp triển khai Kế hoạch 420 ở bản Cà Là Pá, đại diện trên 140 hộ dân đã đến dự. 100% người dân dự họp đều đồng tình với kế hoạch của UBND tỉnh, tự nguyện ký cam kết không bao che, không bán, chuyển nhượng đất trái pháp luật cho người dân di cư và không phá rừng.

Đồn Leng Su Sìn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân giữ rừng.
Đồn Leng Su Sìn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân giữ rừng.

Đề án 79 vẫn “giậm chân tại chỗ”

Tình trạng phá rừng ở Mường Nhé có nguyên nhân chính là dân di cư vào đây không có đất, không có nhà nên phá rừng. Rừng chỉ giữ được khi ngăn chặn triệt để tình trạng di cư ngoài kế hoạch vào huyện Mường Nhé.

Để giúp người dân ổn định cuộc sống, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, UBND huyện Mường Nhé chủ trương triển khai cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những hộ dân di cư từ nhiều năm trước đã có nhà ở và đất canh tác hợp pháp, đồng thời phát hiện, vận động và kiên quyết đưa về nơi ở cũ đối với số dân di cư ngoài kế hoạch mới vào địa bàn huyện.

Đây cũng là mục tiêu chính của “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015” theo Quyết định 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/1/2012 (Đề án 79).

Theo đó, đến hết năm 2015, toàn huyện Mường Nhé có 11.931 hộ với trên 6,7 vạn người bố trí tại 210 bản được định canh, định cư (bao gồm: 153 bản hiện có, 10 bản được chia tách hành chính để quản lý, 47 bản thành lập mới sau khi bố trí, sắp xếp các hộ dân); giảm số hộ nghèo từ 77,87% năm 2011 xuống còn 52,87% vào năm 2015…

Tuy nhiên, đến nay, Đề án 79 mới thực hiện di chuyển được 694 hộ đến các điểm bản được bố trí và giải ngân trên 632,5 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư là 1.552 tỷ đồng). Lý giải cho nguyên nhân chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra, chính quyền huyện Mường Nhé cho rằng, do công tác thẩm định, phê duyệt và tiến độ thực hiện xây dựng các công trình cơ sở thiết yếu chậm.

Mặt khác, người dân sở tại không nhường đất cho các dự án định canh, định cư và tình trạng dân di cư ngoài tầm kiểm soát. Theo chủ trương, mỗi hộ dân di chuyển đến điểm bản mới sẽ được cấp 2ha đất nương để canh tác, ổn định cuộc sống.

Thực tế đến nay, công tác thu hồi đất, giao đất, bố trí đất sản xuất vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra, còn 22 điểm chưa phê duyệt được phương án hỗ trợ nên chưa giao được đất sản xuất cho dân. Chính việc chậm giao đất sản xuất cho người dân, cùng với việc đất được giao chủ yếu là đất cằn cỗi, khó canh tác, dẫn đến việc người dân tự ý phá rừng để lấy đất sản xuất.

Đọc thêm