Nam Định quyết tâm nâng cao công tác cải cách hành chính

(PLVN) - Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo ra sự bứt phá với mục tiêu đến năm 2025 đưa công tác cải cách hành chính thuộc tốp đầu của cả nước, tỉnh Nam Định đề ra nhiều giải pháp chủ yếu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cải cách hành chính (CCHC) trong nhiệm kỳ tới là, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước, đồng thời với việc triển khai toàn diện, kịp thời các văn bản, chính sách, pháp luật của nhà nước trên các lĩnh vực.

Thực hiện sắp xếp lại cơ quan hành chính các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; trọng tâm là cơ cấu lại tổ chức nội bộ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh giản, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính cho phù hợp với quy định mới của Chính phủ; chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Tiếp tục cải cách công vụ, cải cách thủ tục hành chính (TTHC); hiện đại hóa hành chính và cải cách tài chính công. Tăng cường tính liên thông trong cải cách TTHC, cần tạo ra cơ sở dữ liệu trên các lĩnh vực đảm bảo liên thông được với cơ sở dữ liệu quốc gia, chia sẻ được giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh để giảm thời gian, mức độ hiệu quả của giải quyết TTHC cần phải được tính trên cơ sở sự hài lòng của người dân, tổ chức, thời gian, kết quả thủ tục được giải quyết.

Hiện đại hóa nền hành chính gắn với xây dựng Chính quyền điện tử. Xây dựng giải pháp đồng bộ để hình thành đội ngũ cán bộ, công chức điện tử và công dân, doanh nghiệp điện tử. Hiện đại hóa nền hành chính cần phải kết hợp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống hành chính và hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp đang được người dân và tổ chức sử dụng mang tính rộng rãi, phổ biến hiện có như mạng xã hội Zalo, Ví điện tử...

Cán bộ phường Lộc Hạ (TP Nam Định) hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC.
 Cán bộ phường Lộc Hạ (TP Nam Định) hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC.

Cải cách tài chính công gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với thực tiễn; tăng cường kiểm soát bảo đảm kỷ luật, kỷ cương về thu, chi ngân sách nhà nước.

Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý ngân sách theo hướng giảm dần việc quản lý ngân sách theo định mức đầu vào, hướng tới xây dựng và quản lý ngân sách, tài chính công theo đầu ra; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển, tạo ra động lực cho phát triển, tránh sự đầu tư dàn trải, đầu tư kém hiệu quả, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Nâng cao nhận thức, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, của cơ quan chủ trì tham mưu trong công tác điều phối chung, tổng hợp, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC trên từng lĩnh vực.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác CCHC. Qua đó giúp môi trường đầu tư kinh doanh chuyển biến rõ nét, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm đều được nâng lên, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nam Định hết năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đọc thêm