Nhiều chồng chéo trong pháp luật về xử lý người nghiện ma túy

(PLVN) - Những bất cập, chồng chéo trong Luật phòng, chống ma tuý; nhiều đề xuất, kiến nghị về quy trình đưa người nghiện đi cai, chính sách đãi ngộ với các cơ sở cai nghiện... là các vấn đề nổi bật được chia sẻ trong buổi Hội thảo “Việc thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma tuý và phòng chống HIV/AIDS” vào chiều 25/6.
Đại diện thanh niên tỉnh Bến Tre chia sẻ về vấn đề sau cai và tái nghiện.
Đại diện thanh niên tỉnh Bến Tre chia sẻ về vấn đề sau cai và tái nghiện.

Theo đại diện Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Bến Tre, hiện tại, toàn tỉnh có 768 người nghiện ma túy tham gia cai nghiện bằng các hình thức, chiếm tỉ lệ 76,19% so với tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Mặc dù đạt được những kết quả khả quan song công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất trong thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản khác.

Cụ thể, ở khoản 2, Điều 28 và khoản 1, Điều 104 Luật Xử lý vi phạm hành chính có sự xung đột về thẩm quyền quyết định và kéo theo hàng loạt thay đổi về trình tự, thủ tục áp dụng cũng thay đổi theo.

Khoản 1 và khoản 2, Điều 29 Luật phòng chống ma túy và khoản 1, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính có sự mâu thuẫn trong quy định về độ tuổi áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc. Điều 32a Luật Phòng, chống ma túy và Điều 117 Luật xử lý vi phạm hành chính có sự mâu thuẫn khi điểu chỉnh cùng một mối quan hệ xã hội.

Đối với các văn bản dưới luật, Nghị định về quản lý sau cai nghiện cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn khó tuân thủ, hoặc thiếu chế tài để quản lý, hoặc đã ban hành nhưng còn nhiều điểm vướng chưa thể áp dụng.

Từ đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre kiến nghị, đề xuất chỉnh sửa những nội dung của Luật phòng, chống ma túy cho phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính và tình hình thực tiễn phòng, chống ma túy của đất nước hiện nay. Cạnh đó, đề nghị bổ sung chế tài đối với người nghiện không chấp hành, cố tình né tránh cơ quan chức năng, ban hành quy định về việc đưa người nghiện dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do xu hướng người nghiện ngày càng trẻ hóa...

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại các Thông tư quy định về chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy đi cai nghiện cho phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù như: Cán bộ làm công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy tại cộng đồng, lực lượng công an làm nhiệm vụ hỗ trợ thường xuyên công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở cai nghiện công lập vào Nghị định số 26/2016 ngày 6/4/206 của Chính phủ.

Với kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động quản lý người nghiện, ông Bùi Thanh Tuấn đại diện cơ sở cai nghiện số 3 tại TP HCM cho rằng, độ tuổi nghiện ngày một trẻ hóa. Đối tượng dưới 18 tuổi không đưa vào cơ sở cai nghiện là hợp tình, hợp lý, hợp pháp nhưng chưa phù hợp thực tiễn. Bởi nếu để các em dưới 18 tuổi ở nhà thì gia đình chưa đủ năng lực để xử lý, cán bộ địa phương khó lòng nắm được, dễ để lại khoảng trống trong cai nghiện. Quan trọng là phải phòng ngừa ngay từ trứng nước, giáo dục các em một cách thực tế, thực tiễn ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường…

Kết luận Hội thảo, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, các chuyên đề, ý kiến đóng góp, bình luận tại Hội thảo rất đáng ghi nhận. Các đại biểu hết sức quan tâm đến mục tiêu đã đề ra của Hội thảo, đa số mong muốn qua hội thảo các cơ quan chức năng đề cao trách nhiệm, tiếp thu hoàn thiện để hai dự án luật khả thi, giải quyết tốt những vấn đề bất cập, bức xúc trong thực tiễn.

Về phần giải trình của cơ quan chức năng, ông Phong đánh giá đại diện các cơ quan của Chính phủ rất có trách nhiệm, thể hiện sự cầu thị và tiếp thu các ý kiến đại biểu trong hội thảo. Ông Phong cũng đề nghị các Bộ ngành nên ngồi lại với nhau để thống nhất về quan điểm, giải pháp và khi trình chính sách thì phải đánh giá tác động đầy đủ để tính toán cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu.

Theo ông Phong, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra là xem xét toàn diện các vấn đề hội thảo đặt ra, để tiếp thu, chỉnh lý và thẩm tra có chất lượng để trình lên thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Đọc thêm