Nhọc nhằn đứng dậy sau cơn bão dữ

(PLO) - Sau cơn bão dữ số 10 quét qua Quảng Bình, nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, cây cối hoa màu bị hư hại hết. Người dân nơi miền đất nghèo khó này lại thêm lần nữa đối mặt với muôn vàn khó khăn, nỗi nhọc nhằn lại nhân lên gấp bội…
Tan hoang sau bão dữ.
Tan hoang sau bão dữ.

Xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) được bao bọc bởi các dãy núi tách biệt với thế giới bên ngoài. Khi cơn bão dữ lồng lộn quét qua, 100% số nhà dân xã này đều bị tốc mái. Bão tan, may mắn không có thiệt hại về người nhưng nhà cửa, tài sản còn lại là một đống đổ nát, tan hoang.

Gắng gượng đứng dậy

Căn nhà khá kiên cố của Mai Anh Tuấn ở thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng mới cất được cách đây không lâu, khi bão quật qua khiến toàn bộ mái ngói nhà anh bị cuốn bay, chỉ trơ lại bốn bức tường. Bão qua, tàn hoang nằm lại. Vợ chồng anh Tuấn phờ phạc, cố lết ra ngoài dọn dẹp những gì còn sót lại vẫn đang ướt sũng nước mưa.

Anh Tuấn kể, gia đình anh mới vay tiền làm nhà riêng, không có công việc ổn định nên mở quán tạp hóa phục vụ cho bà con trong thôn. Trước đó, anh có nhập về gần 20 triệu tiền hàng, nghe bão đến vợ chồng anh đã che chắn cẩn thận nhưng sức người đã không thắng được sức mạnh thiên tai, mưa bão đã làm toàn bộ hàng hóa bị ướt, hư hại hơn nửa. “Mái nhà cũng không biết lúc nào mới có tiền làm lại, nợ nần càng chồng chất. Mệt mỏi lắm nhưng phải bò dậy mà tiếp tục làm ăn thôi…” – anh Tuấn buồn bã.

Xã Cao Quảng có 606 nóc nhà, khi bão quét qua thì toàn bộ đều bị tốc mái, hư hỏng. Sau bão, nhiều người dân như sống cảnh “màn trời chiếu đất” khi phải ăn nhờ, ở đậu những nhà ít thiệt hại, còn chỗ trú ngụ. Nhiều gia đình đang phải “trưng dụng” trường, trạm trú ngụ qua đêm.

Ông Mai Xuân Tuyên - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết, là xã nghèo của huyện nhưng ước tính thiệt hại do bão số 10 gây ra lên đến 45 tỉ đồng. Ông Tuyên nói: “Bão năm nay kinh khủng quá, may kịp thời sơ tán dân đến chỗ an toàn, nếu không thì… Giờ công tác khắc phục tốt, đường sá đi lại thông thoáng cả rồi, nhiều nhà dân cũng đã vay mượn, chạy vạy tiền để mua vật liệu về dựng lại nhà”.

Tìm về xã Quảng Phương một trong những điểm bị thiệt hại nặng của huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) khi có tới 1.700 nhà dân bị tốc mái, có nhà bị đổ sập. Dạo một vòng quanh xã trái với khung cảnh điêu tàn, ngổn ngang của ngày trước, hôm nay đường sá đã thông thoáng trở lại, người dân tích cực dọn dẹp nhà cửa, nương vườn.

Mất trắng giấc mơ “vàng trắng”

Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch nơi được mệnh danh là “thủ phủ vàng trắng” của Quảng Bình khi có tới gần 100% hộ dân nơi đây trồng cây cao su. Bão qua, gần cả nghìn hecta cây cao su đang trong thời điểm khai thác gãy đổ nằm la liệt, ngổn ngang, ai chứng kiến cũng đau lòng.

Ngồi thất thần giữa rừng cây cao su đổ rạp, ông Nguyễn Phi Đài (ở tổ dân phố Quyết Tiến của thị trấn này) cho biết, gần 2 hecta cao su của gia đình ông đang mùa thu hoạch cho năng suất cao chỉ sau 2 tiếng đồng hồ bão quần, 98% số cây đổ ập xuống đất. Ông Đài ngao ngán: “Trắng tay rồi! Ông trời chẳng thương dân nghèo…”. Cả khu vực rừng cao su rộng hàng trăm hecta vốn xanh tốt bạt ngàn nay bị bão quật bật gốc nằm la liệt khắp nơi, cây đổ ngổn ngang chắn cả lối đi… Chị Trần Thị Ánh Ngọc – một người trông cao su khác mếu máo kể: “Hơn 1.400 cây cao su thì khoảng 1.000 cây bị bão bẻ gãy. Cuộc sống 4 người trong gia đình nhờ vào khai thác mủ cao su giờ chẳng biết phải ra sao”.

Ông Trần Quang Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, thiệt hại mà bão số 10 gây ra cho huyện là rất lớn, hàng ngàn tỷ đồng. Riêng cây cao su bị thiệt hại 70%  tổng diện tích toàn huyện với hơn 6.000ha. Ngoài cao su, Bố Trạch còn thiệt hại nặng về diện tích trồng sắn với 3.500ha hư hại. Để giúp người dân khai thác vớt vát sau bão, 2 đơn vị sản xuất tinh bột sắn ở huyện này là Cty CP Focover Quảng Bình và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh đã có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi thu mua kịp thời cho nông dân trồng sắn trên địa bàn.

Nỗ lực giúp dân

Những ngày này, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn đang tập trung khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra. Công an tỉnh Quảng Bình đã huy động 1.500 cán bộ, chiến sĩ tỏa về các địa phương giúp dân sau bão. Lực lượng Bộ đội Biên phòng và Quân sự cũng tổ chức hàng chục mũi xung kích với hàng ngàn chiến sĩ cũng tổ chức lực lượng dựng lại nhà cửa, ruộng vườn giúp dân vượt qua khó khăn trước mắt. Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã chỉ đạo tổ chức 110 đội hình thanh niên tình nguyện tại chỗ, 30 đội hình tình nguyện với hơn 1.500 đoàn viên thanh niên tham gia tập trung bám các địa bàn bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, 50 đội hình xung kích bảo vệ môi trường cũng được tổ chức làm vệ sinh, thông đường, dựng lại cơ sở vật chất và ưu tiên hàng đầu là các trường học.

Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực miền Trung, đến 15h chiều 20/9, toàn bộ lưới điện tỉnh Quảng Bình đã được cấp điện trở lại bình thường. Ngay khi cơn bão đi qua, ngành Điện lực đã huy động tổng số lực lượng trên 1.000 công nhân và 68 xe cơ giới, 47 xe chở người, 15 xe xúc và các vật tư thiết bị từ các đơn vị trong ngành điện miền Trung về các vùng bị ảnh hưởng của bão để nhanh chóng cấp điện cho người dân.

Cũng trong ngày 20/9, 100% trường học ở Quảng Bình đã đón học sinh trở lại dù trường lớp còn rất nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đinh Quý Nhân, tinh thần của toàn ngành là tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả. Nhưng thiệt hại quá lớn, ngân sách tỉnh cũng như địa phương khó gánh nổi nên ưu tiên khắc phục cái trước mắt để tập trung cho công tác dạy và học.

Ước tính tổng thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra đối với tỉnh Quảng Bình lên đến 7.860 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền tỉnh Quảng Bình hiện đã tiếp nhận gần 20 tỷ đồng của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào khốn khó sau cơn bão dữ. Nguồn hỗ trợ này sẽ được phân bổ hợp lý về các địa phương và tỉnh này ưu tiên hỗ trợ sửa chữa hơn 240 nhà bị sập, mỗi nhà sập hoàn toàn được hỗ trợ 40 triệu đồng.

Đọc thêm