Những ngày tháng 5 trên quê hương Bác Hồ kính yêu

(PLO) - Năm nào cũng vậy cứ đến khoảng đầu tháng 4 đã có hàng ngàn người dân trên khắp các tỉnh thành cả nước, cũng như bạn bè quốc tế lại hành hương về Nam Đàn, Nghệ An thăm Khu di tích Kim Liên “nơi chôn rau cắt rốn” của Người. Đến với quê Bác từ những cụ già râu tóc bạc phơ, đến những em nhỏ nhưng họ đều chung một mục đích là hiểu hơn những câu chuyện về Bác và báo công với Người.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Trong dòng người hành hương về thăm quê Bác hôm nay, có đoàn cựu chiến binh đến từ Thanh Hóa, họ đã vượt hàng trăm cây số, để đến Kim Liên trong một buổi chiều tháng 5 nắng nóng của miền Trung. Rất nhiều giọt nước mắt của các cựu chiến binh lăn trên gò má khi nghe nữ thuyết minh kể chuyện về những câu chuyện, những kỷ vật gắn với tuổi thơ của Người.

Ông Nguyễn Văn Nam (65 tuổi) quê Quảng Xương, Thanh Hóa xúc động: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi về thăm quê Bác, cứ khi nào có dịp tôi lại về đây. Nhìn thấy mái nhà tranh đơn sơ, hàng cau, lò rèn, thấy các vật dụng trong nhà Bác chúng ta lại nhớ đến Người”.

Khu di tích Kim Liên ra đời từ năm 1965, từ đó đến nay Khu di tích đã đón hàng chục triệu lượt khách tham quan. Riêng từ 10/4 đến 10/5/2017 đón 5.658 đoàn khách tham quan với 153.953 lượt người, trong đó có 44 đoàn là khách Quốc tế: Pháp; Lào; Trung Quốc, Úc, Nhật, Malaixia…

Để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Bác, Khu di tích Kim Liên đã chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên, bổ sung cây xanh, quy hoạch tuyến ra tuyến vào. Đặc biệt, cho đưa vào khai thác các hộ láng giềng tái hiện lại nét văn hóa thế kỷ tạo tình cảm cho du khách đối với quê Bác.

Những ngày này, hướng dẫn viên tại Khu di tích Kim Liên làm việc liên tục, không chỉ trong giờ hành chính mà cả buổi trưa và buổi chiều tối với mong muốn mọi du khách về thăm quê Bác sẽ được nghe những câu chuyện, kỷ niệm gắn với tuổi thơ của người.

Do các đoàn khách quá đông, không có chỗ đứng trong nhà để thuyết minh chị Bùi Bích Đảm – Trưởng phòng Tuyên truyền Khu di tích Kim Liên phải đứng dưới nắng nóng thuyết minh cho du khách. Nhưng bằng “chất Nghệ” nhẹ nhàng, tình cảm chị Đảm đã lấy đi khá nhiều nước mắt của du khách khi giới thiệu về những kỷ vật gắn với những câu chuyện về thủa thiếu thời của Bác.

Sau khi thuyết minh cho đoàn khách, gạt những giọt mồ hôi chị Bùi Bích Đảm trò chuyện với phóng viên: “Tôi làm ở đây trên 25 năm rồi, ước mơ được vào làm ở đây từ ngày xưa, khi tôi còn cắp sách đến trường tôi đã rất ngưỡng mộ các cô thuyết minh ở đây. Ước được vào đây, được yêu kính Bác, ước mơ được nói với Bác.

Sau khi được tuyển vào đây tôi tự hào lắm, cả gia đình và làng xóm cũng tự hào vì tôi đã trúng tuyển. Phải đặc biệt yêu nghề thì mới “giữ được lửa” bởi ngày nào cũng nói một bài, ngày nào cũng đến một điểm, nếu không yêu nghề, không yêu kính Bác thì không thể nào lấy được tình cảm của du khách, Có những người khách nói với tôi rằng “chú thấy lòng mình trong sáng hơn khi được nghe cháu kể về những câu chuyện của Bác”.

Đọc thêm