Ninh Bình: Huyện Gia Viễn đẩy mạnh đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính dạng số

(PLVN) - Đo đạc, lập bản đồ dạng số là cơ sở quan trọng cho khâu kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phục vụ đắc lực trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Huyện Gia Viễn đẩy mạnh đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính dạng số.
Huyện Gia Viễn đẩy mạnh đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính dạng số.

Nhận thức vai trò quan trọng đó, dưới sự chỉ đạo của UBND Tỉnh Ninh Bình, Huyện Gia Viễn đã đẩy mạnh việc thực hiện đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính dạng số nhằm đưa ra cơ sở dữ liệu khoa học chính xác phục vụ cho mục tiêu quản lý, khai thác và sử dụng đất trong toàn huyện. 

Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy nhanh công tác đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo Chỉ thị số 1474/CTTTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 718/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 16/3/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời xây dựng hoàn thiện, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng, khai thác tiềm năng quỹ đất, cung cấp các thông tin về đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện.

Theo đó, Kế hoạch yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành phối hợp với các đoàn thể nhân dân của các xã, huyện tăng cường công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ và lập, quản lý, sử dụng hồ sơ địa chính phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai. 

Đối với công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, tất cả các thửa đất trên đơn vị hành chính cấp xã đều được đo đạc, lập bản đồ đảm bảo phản ánh hiện trạng thực tế; bản đồ địa chính được lập phải đảm bảo độ chính xác, tuân thủ theo quy trình, quy phạm đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các quy định pháp luật về đất đai.

Công tác cấp GCNQSDĐ được thực hiện công khai minh bạch, xác định rõ các chủ sử dụng đất; các thửa đất đủ điều kiện đều phải đăng ký và được cấp GCNQSDĐ. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, chuyên viên phòng TNMT huyện Gia Viễn khẳng định, công tác chuyển đổi bộ bản đồ địa chính từ dạng giấy sang dạng số đã góp phần cho công tác quản lý đất đai huyện Gia Viễn được thuận lợi.
Ông Nguyễn Quốc Toản, chuyên viên phòng TNMT huyện Gia Viễn khẳng định, công tác chuyển đổi bộ bản đồ địa chính từ dạng giấy sang dạng số đã góp phần cho công tác quản lý đất đai huyện Gia Viễn được thuận lợi.

Công tác đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính đã được đẩy mạnh thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 11/2019, huyện Gia Viễn đã triển khai đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa địa chính dạng số xong 3 xã: Gia Tân, Gia Trấn, Gia Hưng và đang tiến hành đo đạc tại 2 xã: Gia Lập, Gia Lạc. Thực hiện đo đạc, trình hội đồng thẩm định xét duyệt, cấp GCNQSDĐ bao gồm đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân. Đối với các xã chưa tiến hành đo đạc bản đồ địa chính dạng số, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo tập trung kiểm tra, rà soát, xác định sơ đồ, vị trí giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân ngoài thực địa với hồ sơ địa chính.

Từ những chuyển biến tích cực của lĩnh vực đo đạc, lập bản đồ địa chính, công tác quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường, hoạt động đo đạc bản đồ đi vào nề nếp; kết quả của công tác đo đạc đã góp phần đẩy nhanh công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ đắc lực cho công tác giải phóng mặt bằng và các ngành kinh tế, kỹ thuật của huyện.

Ông Nguyễn Quốc Toản, chuyên viên phòng TNMT huyện Gia Viễn cho biết, công tác chuyển đổi bộ bản đồ địa chính từ dạng giấy sang dạng số đã góp phần cho công tác quản lý đất đai huyện Gia Viễn được thuận lợi. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Gia Viễn cần tăng cường đầu tư nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ địa chính dạng số đối với các xã chưa được tiến hành đo đạc lại sau khi dồn điền đổi thửa để khắc phục tình trạng “điền bất cập bạ”.

Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác điều tra, đánh giá số lượng và chất lượng đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; xây dựng bản đồ giá đất, giám sát biến động tài nguyên đất đai lồng ghép với các yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu./.

Đọc thêm