Nỗi buồn "không còn nhà sàn" ở vùng đất đỏ Tây Nguyên

(PLVN) - Với lối kiến trúc đặc biệt đã được hình thành và lưu truyền hàng ngàn năm qua, những ngôi nhà sàn không chỉ là nơi chở che cho con người, biểu tượng của tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau mà còn là đặc trưng văn hoá của vùng đất đỏ Tây Nguyên.


Gần 45 năm sống ở Tây Nguyên, tuổi thanh xuân của tôi gắn bó mật thiết với nhiều buôn làng Jrai, chính xác hơn là gắn bó với những ngôi nhà sàn. Vừa qua cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng sức sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên rất mãnh liệt. Làng nào trù phú thì có hàng trăm, ít cũng vài chục nóc.

Nếu ở các huyện, thị phía đông nam tỉnh Gia Lai như Ayun Pa, Ia Pa, Krông Pa có những ngôi nhà sàn chiều dài đến bốn năm chục mét là nơi để 4-5 thế hệ sinh sống thì khu vực phía tây các nhà sàn ngắn hơn và thường chỉ có một đến hai gia đình. Bước lên thang, vào nhà cứ nhìn vào số bếp là có thể biết nhà ấy có bao nhiêu hộ.

Nhà dài của đồng bào Jrai phía Đông Nam tỉnh Gia Lai
 Nhà dài của đồng bào Jrai phía Đông Nam tỉnh Gia Lai

Nhà sàn thường được làm bằng những cây cột gỗ chống chịu được mưa nắng và mối mọt như cà chít hay trâm xe, kết nối với nhau hoàn toàn bằng dây mây buộc chặt, mái lợp lá tranh, lá rừng, vách thưng bằng nứa chẻ ra đan lại. Sàn nhà cũng đan bằng bằng cật tre, cật lồ ô, thả trên sườn gỗ khoảng cách 30-40 phân, cách mặt đất độ 1,5 mét nên rất thoáng mát.

Bên vách nhà, gia chủ thường treo các thứ quả lấy hạt làm giống như bắp, mướp, bí đỏ và dựng gùi, bên dưới vách móc và dựng bầu nước, dao rựa…Phía trên bếp lửa thì treo thịt heo rừng, thịt bò hun khói, để ăn dần trong nhiều ngày, nhất là vào mùa đông không đi săn bắt được…

Những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước, các buôn làng ở Tây Nguyên hầu như không có máy xay xát gạo. Sáng nào cũng vậy, trời chưa hửng đã nghe tiếng thình thịch, vang lên đều đều. Trước mỗi nhà những người phụ nữ đứng chụm chân giã gạo chày đơn để chuẩn bị cho bữa cơm sáng, nắng hửng lên một chút cánh đàn ông ngồi hút thuốc, chẻ lạt, hoặc đan lát…trước khi lên nương rẫy.

Thiếu nữ Jrai giã gạo

 Thiếu nữ Jrai giã gạo

Nhà sàn còn đong đầy tình cảm của người dân Jrai với những người con từ miền xuôi xung phong lên Tây Nguyên công tác. Đi về các xã vùng sâu của huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai (ngày ấy hoàn toàn đi bộ) khi đói và mệt ta có thể ghé vào bất cứ một ngôi nhà sàn ở một làng nào đó, cứ bước lên cầu thang, vào nhà, nhất là mùa mưa, là ta có thể cảm nhận được tình cảm ấm áp của những con người hiền lành, chất phác.

Bên bếp lửa củi cháy đượm, gia chủ sẽ mời khách bữa cơm tuy đạm bạc với cá suối nấu măng chua để dành trong ống lồ ô, đọt bí vườn nhà luộc còn tươi xanh, hoặc phổ biến là món tả pí lù với lá mì-cà đắng-hoa đu đủ đực ăn quen rồi sẽ nghiện đến nỗi sau hàng chục năm mà vẫn còn thòm thèm cái mùi vị lạ lùng, hấp dẫn ngon đến thấm đến tận cùng ký ức… 

Cũng bên bếp lửa nhà sàn nếu là buổi chiều những người phụ nữ Jrai rất khéo léo khi xoay tròn những quả bắp vừa hái trên nương về. Bắp đã bóc vỏ, dựng đứng cách xa bếp than độ 5-7 phân, chốc chốc lại xoay đi để lộ những hạt bắp đều tăm tắp vừa chín tới, vàng suộm, thoảng mùi thơm ngòn ngọt.

Nhà sàn đã thay mái tranh bằng mái ngói.

Nhà sàn đã thay mái tranh bằng mái ngói.

Có những ngôi nhà sàn ở huyện Chư Pah (nay là Ia Grai) qua nhiều thế hệ, cầu thang và tay vịn đã nhẵn bóng mặc cho tháng năm.

Vậy mà giờ đây nhiều làng đã không còn nhà sàn nữa. Không chỉ các làng nằm ngay giữa thành phố Pleiku như Plei Ku Roh, plei Nhao hay plei Kép không còn nhà sàn, mà ngay cả những buôn làng trên huyện xa cũng thế!

Ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, gần như làng nào cũng không còn một nóc nhà sàn, thay vào đó là những ngôi nhà xây kiên cố, nhà Thái mái lợp ngói đỏ xanh. Vào làng Breng 2, qua làng Blang 1 rồi xuống làng Jut…tìm mỏi mắt vẫn không thấy bóng dáng một ngôi nhà sàn nào.

Tìm hiểu nguyên nhân mới biết bên cạnh đời sống vật chất của người Jrai nơi đây được nâng lên thì một nguyên nhân quan trọng khiến những ngôi nhà xây dựng theo kiểu người Kinh đã thay thế những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Tây Nguyên là do không có các vật liệu cần thiết để xây dựng nhà sàn.

Thường muốn làm được một ngôi nhà sàn truyền thống phải tốn ít nhất cả chục khối gỗ nhóm 3, nhóm 2 như trâm xe, cà chít để làm cột, xà, rui, mè… Rồi nếu không thưng vách bằng tre nứa thì phải dùng ván. Vật liệu lợp nhà như lá tranh, lá rừng bây giờ cũng chẳng nơi nào còn rừng tranh, còn lá để cắt. Mây, lồ ô, le, nứa cũng vậy.

Do đó ngôi nhà xây, nhà trệt hoặc nhà tầng vừa kiên cố lại có đủ vật liệu xây dựng cung ứng tận nơi nên bà con có yêu thích nhà sàn đến mấy cũng đành quên! Ấy là chưa kể tâm lý của một số người cũng muốn xây nhà trệt hiện đại để bắt kịp đời sống của người Kinh.

Nhà sàn kiểu mới ở huyện Kông Chro, Gia Lai.

Nhà sàn kiểu mới ở huyện Kông Chro, Gia Lai.

Mẫu nhà sàn bê tông.

Mẫu nhà sàn bê tông.

Kiến trúc nhà sàn đã gắn liền với đời sống văn hóa, vật chất của người Tây Nguyên hàng ngàn năm qua. Nên làng Tây Nguyên không còn nhà sàn như mất đi một điều gì vừa thiêng liêng vừa mật thiết.

Trước đây nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số tại chỗ xây dựng nhà ở truyền thống như: cấp phép khai thác hoặc bán gỗ giá rẻ với khối lượng tương ứng với qui mô, kiến trúc ngôi nhà (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã từng làm)… Tuy nhiên trong khi công tác quản lý của cấp có thẩm quyền chưa chặt chẽ, thấu sát nên một số kẻ xấu lợi dụng để khai thác, mua bán gỗ rừng gây tình hình phức tạp thêm.

Trước thực trạng này thiết nghĩ chính quyền các địa phương cùng các ngành liên quan (Văn hóa, Xây dựng) nên triển khai công tác bảo tồn như: quản lý chặt việc khai thác gỗ làm nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, vận động người dân trở lại làm nhà sàn truyền thống bằng các nguyên vật liệu bê tông, composite với kiến trúc vừa truyền thống vừa hiện đại để có thể có đời sống sinh hoạt tiện nghi như trong nhà tầng…

Làm được như vậy không chỉ trả lại hình ảnh buôn làng Jrai nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung, mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống và văn hoá của người Tây Nguyên trong nhịp sống hiện đại.

Đọc thêm