Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thêm động lực để tin vào cây lúa

(PLO) -Trước những thách thức lớn về thị trường, chi phí đầu tư cao và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều hộ dân trồng lúa phải lo lắng, trăn trở và “gồng mình” gánh chịu. Tuy nhiên, từ khi áp dụng phương pháp canh tác lúa “thông minh”, theo đúng khoa học và khuyến cáo của chuyên gia, nhiều hộ nông dân phấn khởi, có thêm niềm tin vào cây lúa.
Các cánh đồng thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh đạt kết quả cao
Các cánh đồng thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh đạt kết quả cao

Góp phần “giải cứu” nông dân trồng lúa

Những năm gần đây, tình hình canh tác lúa của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn do thị trường lúa bấp bênh, sâu bệnh dịch hại trên đồng gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp gây bất lợi cho canh tác nông nghiệp.

Vì vậy, nhằm có giải pháp kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất và tiếp tục nâng cao thu nhập trong canh tác lúa, từ vụ lúa Hè Thu năm 2016, Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” nhằm cung cấp cho nông dân các giải pháp kỹ thuật mới, phù hợp để có cách thức sản xuất “thông minh”, hiệu quả, tiết kiệm tối đa các chi phí đầu tư không cần thiết, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, thu nhập cho bà con nông dân. 

Trong Vụ Hè Thu năm 2016, năng suất lúa tươi bình quân ở 13 mô hình thu được khoảng 6,8 tấn/ha, cao hơn đối chứng khoảng 500 kg/ha, các tỉnh như Kiên Giang hay Vĩnh Long năng suất đã tăng đạt gần 1 tấn/ha. Theo đó, mô hình trên tiếp tục được nhân rộng với diện tích lớn hơn, quy mô hơn. Nhiều hộ nông dân tham gia mô hình đánh giá cao kết quả đạt được. 

Trong quá trình thực hiện mô hình, nông dân được hướng dẫn các kỹ thuật canh tác, phù hợp, đúng khoa học, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng. Các chuyên gia khuyến cáo nông dân nên giảm lượng giống gieo sạ đầu vụ, chủ yếu sạ 80kg/ha. Biện pháp kỹ thuật này được giới khoa học đánh giá là phù hợp và hoàn toàn khả thi. Nếu áp dụng tốt và nhân rộng được, toàn vùng ĐBSCL với hơn 4 triệu ha đất lúa sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí canh tác hàng năm của bà con nông dân. 

Bên cạnh đó, các hộ nông dân cần phải từ bỏ thói quen bón phân quá nhiều vừa tăng chi phí vừa ảnh hưởng đến đất trồng. Theo đó, các nhà khoa học khuyến cáo nông dân nên  giảm phân bón và chỉ sử dụng liều lượng phù hợp, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Vì việc sử dụng phân bón hợp lý, tránh dư thừa nhất là đạm còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần giảm tác hại do biến đổi khí hậu.

Chi phí thấp, năng suất cao, nông dân phấn khởi

Các mô hình tuân thủ khuyến cáo và hướng dẫn của các nhà khoa học thực hiện đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi, khiến người dân yên tâm và tin tưởng vào các thành tựu khoa học kỹ thuật. Quan trọng hơn, với kết quả trên đã chứng minh cho bà con thấy rằng việc giảm giống, bón phân hợp lý cân đối, đầu tư vào chuẩn bị đất tốt đầu vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết không những đảm bảo mà còn tăng được năng suất lúa.

Ngoài ra chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm khá nhiều so với sản xuất theo tập quán của bà con nông dân. Giá thành sản xuất trong mô hình bình quân khoảng 2.600 đ/kg giảm được khoảng 20% so với đối chứng (3.200 đ/kg). Bên cạnh đó, năng suất ở tất cả các mô hình đều tăng vượt trội, từ đó góp phần giúp cho lợi nhuận mang lại cho bà con nông dân tăng lên rất nhiều.

Với tỉ suất lợi nhuận bình quân đạt 53% so với đối chứng xấp xỉ 40%, chênh lệch đến 13% đã chứng minh hiệu quả đầu tư trong các mô hình tốt hơn rất nhiều so. Các mô hình ở các địa phương ven biển như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang hay Bạc Liêu có lợi nhuận rất tốt, cá biệt ở Tiền Giang và Cà Mau lợi nhuận đã tăng đến hơn 11 triệu/ha (105% và 86%) so với đối chứng. 

PGS.TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng Bộ phận thường trực Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sau 2 năm triển khai chương trình đã thực hiện  được 195 mô hình ở 13 tỉnh, thành trong vùng với tổng diện tích thực hiện 97,5ha và thu được kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn về thời tiết, khí hậu, sâu bệnh hại khó phòng trị hơn. Ngoài ra, nông dân vẫn còn e ngại, chưa thật tự tin trong việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật hiệu quả vào sản xuất. 

Từ thực tế hiệu quả đã đạt được trong chương trình, các chuyên gia và các nhà khoa học đề nghị nên tổng hợp và biên soạn cẩm nang canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Với đối tượng hướng đến là nông dân, cán bộ công tác nông nghiệp ở các địa phương nên cần gần gũi, dễ hiểu và có tính xác thực theo từng vùng miền, mùa vụ. Ngoài ra, đối với những bà con đã tham gia mô hình sẽ trở thành các “chuyên gia nhà nông” chia sẻ và hướng dẫn nhiều bà con nông dân khác để thúc đẩy nền sản xuất lúa phát triển bền vững.

Đọc thêm