Nông dân Tiền Giang làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó hạn mặn

(PLVN) - Vừa qua hạn mặn kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống ngưới dân. Tuy nhiên tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã kết hợp chuyển đổi giống cây trồng nhằm phù hợp với khí hậu và đem lại thu nhập cao.

Tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là huyện cù lao nhiễm mặn nằm tại hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông nên có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị nhiễm mặn và thiên tai gây hại.

Mùa hạn hán vừa qua, nông dân huyện Tân Phú Đông gặp rất nhiều khó khăn nên địa phương đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành vùng chuyên canh nông sản có giá trị kinh tế cao. Tận dụng điều kiện khô hạn đặc trưng của địa phương, huyện Tân Phú Đông đã chọn trồng sả chuyên canh cho bà con nông dân. Đây là loại cây rất dễ trồng không tốn công chăm sóc nhiều nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Người dân huyện Tân Phú Đông cho biết: Với khoảng 2,5ha trồng sả thì mỗi năm thu hoạch 2 vụ, sản lượng 75 tấn. Với giá 4.000 đồng/kg như hiện nay, sẽ bán thu 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 110 triệu đồng.

Nông dân thu hoạch sả. Ảnh: Văn Minh
 Nông dân thu hoạch sả. Ảnh: Văn Minh

Hiện nay, trên toàn huyện Tân Phú Đông đã mở rộng diện tích vùng chuyên sả lên trên 2.500ha, đạt trên 132% chỉ tiêu cả năm. Ngoài ra, huyện còn hình thành một số vùng chuyên canh dừa, mãng cầu xiêm nhằm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tại huyện Chợ Gạo đã hình thành các vùng chuyên canh cây rau màu, trong đó cây màu lương thực tập trung ở các xã: Hòa Tịnh, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết và Thanh Bình, năng suất bình quân 3,7 tấn/ha, sản lượng đạt 8.468 tấn/năm; cây màu thực phẩm tập trung ở các xã: Bình Phan, Bình Ninh, Bình Phục Nhứt, năng suất bình quân 19,4 tấn/ha, sản lượng 186.488 tấn/năm, lợi nhuận thu bình quân 100 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 03 - 05 lần so với trồng lúa. Chợ Gạo hiện nay vẫn là điểm sáng cho vùng chuyên canh trong toàn tỉnh. Hiện nay huyện cũng có kế hoạch tiếp tục phát triển tại các nơi có điều kiện.

Qua những hiệu quả kinh tế đạt được, việc hình thành các vùng chuyên canh chứng minh rõ là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Tiền Giang. Hiệu quả từ những vùng chuyên canh cho thấy không chỉ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập mà còn bảo đảm khai thác, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân thích hợp với sự biến đổi khí hậu như hiện nay.

Đọc thêm