Quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công và hộ nghèo vùng biên giới Hà Giang

(PLVN) - Tỉnh Hà Giang xác định công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của nhân dân. Đến nay, công tác trên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giúp các đối tượng được hưởng trên địa bàn sớm có nhà ở kiên cố, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới nằm giữa khu vực Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc, có địa hình tự nhiên hiểm trở, điều kiều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn nhiều yếu kém. 

Với xuất phát điểm thấp, cùng với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2018, toàn tỉnh có 56.083 hộ nghèo, chiếm 31,17% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. 

Theo khảo sát thực tế quý III/2019, toàn tỉnh có 4.305 hộ có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ, bao gồm: 214 hộ gia đình người có công, 475 hộ Cựu chiến binh nghèo, 1.527 hộ nghèo thuộc xã biên giới và 2.089 hộ nghèo xã nội địa. 

Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn xác định một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm là đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của nhân dân. 

Đại diện lãnh đạo huyện Mèo Vạc, chính quyền địa phương trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho ông Vừ Mí Chứ, thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng. Ảnh: Hồng Cừ

Đại diện lãnh đạo huyện Mèo Vạc, chính quyền địa phương trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho ông Vừ Mí Chứ, thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng. Ảnh: Hồng Cừ

Xuất phát từ thực tiễn của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1953 thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Với mục tiêu đặt ra là kêu gọi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội và toàn thể xã hội để thực hiện hỗ trợ xây dựng về nhà ở cho các hộ gia đình theo thứ tự ưu tiên lần lượt: gia đình chính sách, cựu chiến binh nghèo; hộ nghèo xã biên giới; gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già cả, neo đơn, không nơi nương tựa. 

Bên cạnh đó, mỗi người dân vùng biên cương giống như những chiến sĩ bảo vệ biên giới, việc hỗ trợ bà con có căn nhà kiên cố, có tư liệu sản xuất, bám biên cương là góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. 

Để người dân có cuộc sống ổn định, đảm bảo yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo thì cần phải có nhà ở bền vững, với phương châm đảm bảo mục tiêu 3 cứng “cứng nề, cứng tường, cứng mái” và phù hợp với văn hóa của đồng bào các dân tộc. 

Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện và hoàn thành 3.336 nhà, kết quả thực hiện vượt mục tiêu đề ra 1.336 nhà. Trong đó, có 214 hộ gia đình chính sách người có công; 475 hộ cựu chiến binh nghèo, 1.513 hộ nghèo xã biên giới, 96 hộ nghèo xã nông thôn mới và 1.038 hộ nghèo xã nội địa với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/ nhà, tổng kinh phí là 200.160 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa. 

Cán bộ, chiến sĩ BCH Quân sự huyện Yên Minh và bà con nhân dân hỗ trợ ngày công lao động xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo Tẩn A Thông. Ảnh: Hồng Cừ

Cán bộ, chiến sĩ BCH Quân sự huyện Yên Minh và bà con nhân dân hỗ trợ ngày công lao động xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo Tẩn A Thông. Ảnh: Hồng Cừ

Không chỉ đóng góp về tiền của, vật chất, Tỉnh Hà Giang còn huy động được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đóng góp công sức vào việc xây dựng nhà ở cho các đối tượng được hỗ trợ. Huy động được trên 1,2 triệu ngày công hỗ trợ xây dựng nhà. Trong đó, tính riêng lực lượng nòng cốt đã huy động được tổng cộng 124.748 ngày công hỗ trợ. 

Đa số các hộ gia đình được hỗ trợ ở các huyện vùng cao đều ở vị trí có địa hình phức tạp, cách xa trung tâm, giao thông đi lại không thuận lợi nên việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến giá thành vật liệu tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiêp, nhà hảo tâm và ngày công lao động gặp không ít khó khăn.

Đặc biệt, các hộ thuộc diện được hỗ trợ hầu hết đều gặp khó khăn về kinh tế, một số hộ có rất ít kinh phí để đối ứng bổ sung trong quá trình làm nhà nên vẫn phải lợp bằng phibroximang, không tận dụng được mái nhà để hứng nước sinh hoạt và không bền chắc khi gặp mưa đá..

Công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công và hộ nghèo trên địa bàn có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm thiết thực của Đảng, chính quyền và toàn thể xã hội. Công tác trên đã khẳng định và tăng cường tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình tương thân tương ái trong cộng đồng, là nguồn động viên to lớn để các hộ gia đình vững tin, vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no bền vững. 

Từ đó, người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách của nhà nước. Đồng thời góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp.

Đọc thêm