Quảng Nam: Bích An rộn ràng vào xuân

(PLO) -Thôn Bích An là một trong 11 thôn của xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hiện có hơn 262 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. Nơi đây là điểm đến của những dích tích văn hóa lịch sử Khương Mỹ, khu lưu niệm Võ Chí Công, là đất địa linh nhân kiệt sinh ra nhiều người con giữ nhiều chức vụ quan trọng cho Đảng và Nhà nước.
Bích An rộn ràng vào xuân
Bích An rộn ràng vào xuân

Tiếp nối những truyền thống ấy bà con nhân dân nơi đây luôn tự hào về những chí sĩ anh hùng, yêu nước; mọi người đoàn kết một lòng, hăng say lao động, xây dựng làng quê, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Được sự thống nhất của Đảng ủy, UBND xã Tam Xuân 1, Ban nhân dân thôn và đông đảo bà con thôn Bích An đã kêu gọi các mạnh thường quân, toàn thể nhân dân trong thôn đóng góp xây dựng Cổng làng Bích An. Trong vòng hơn hai tháng trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, cuối cùng nhân dân đã cùng các thợ xây, điêu khắc chuyên nghiệp hoàn thành, khai khởi tâm linh vào đúng ngày lập xuân (04/02/2018).

Ông Bùi Công Ba, Thôn trưởng thôn Bích An cho biết: bà con nhân dân nơi đây tảo tần mưa nắng bao đời nay khốn khó, nay đã cố gắng góp công, góp sức xây dựng được Cổng làng, ai cũng mừng lắm, tôi cũng cảm thấy rất vinh dự với thành công của ngày hôm nay.

Đồng chí Bùi Anh Quân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 khẳng định: vai trò “cốt ở yên dân” là rất lớn, nếu như không có sự đồng lòng của nhân dân thì sẽ không thể xây dựng làng xóm yên vui, quê hương giàu mạnh được. 

Cổng làng là biểu tượng, hình ảnh được gắn với từng làng quê, con người Việt Nam, nó cũng gắn liền với sự phát triển, hình thành của làng. Có thể nói cổng làng truyền thống rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, đã tồn tại hàng trăm năm, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, nó còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam, cần được bảo tồn và lưu giữ.

Làng quê xưa khi nước có giặc, cổng làng, luỹ tre xanh trở thành những chiến luỹ. Khi thanh bình, cổng làng mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền địa giới của địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá riêng như gương mặt của làng. Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước.

Với ý nghĩa đó có thể thấy việc xây dựng Cổng làng là truyền thống quý báu của mỗi người dân Việt Nam nói chung, là niềm tự hào, hãnh diện cho những người con Bích An nói riêng; họ đã xây nên những hình ảnh đẹp của làng, xây nên những ước mơ hoài bão cho một ngày mai tươi sáng, một Bích An rất riêng, rất lãng mãn nhưng uy nghi, đoàn kết để tạo nên những làng cảnh đẹp của quê hương, đất nước ghi dấu ấn của mùa xuân mới đang về, đang rộn ràng khắp nơi.

Đọc thêm