Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

(PLVN) - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người từ 110 - 113 triệu đồng; trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm bợ... Quảng Nam cũng phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam về tình hình kinh tế - xã hội địa phương vào tháng 3/2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam về tình hình kinh tế - xã hội địa phương vào tháng 3/2019.

Vị thế ngày càng được khẳng định

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo thực hiện đạt và vượt phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra.

Một trong những thành tựu nổi bật về kinh tế của Quảng Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư đạt kết quả nhất định. Nhiều công trình giao thông quan trọng được xây dựng, kết nối thông suốt.

Đáng chú ý là môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam từ năm 2016 đến nay nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất cả nước.

Cùng với đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công được thực hiện có hiệu quả, theo hướng chất lượng và bền vững. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9,53%/năm, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, đưa quy mô nền kinh tế lên gần 109 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với đầu nhiệm kỳ. Nông nghiệp phát triển ổn định, bước đầu đã xuất hiện các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. 

Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục được tập trung đầu tư hạ tầng và thu hút nhiều dự án, đóng góp bình quân 65% tổng thu ngân sách tỉnh, nổi bật là Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải. Kinh tế biển phát triển khá mạnh với nhiều dự án được đầu tư. Gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Ngoài ra, mạng lưới đô thị tiếp tục phát triển, đảm bảo liên kết giữa đô thị và nông thôn. Hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 21 đô thị, hầu hết được tập trung nguồn lực đầu tư khá đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu dân cư, các trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa, thể dục thể thao.

Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng được tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng được quan tâm thường xuyên, trong đó công tác cán bộ có nhiều đổi mới. Việc quy hoạch cán bộ có tính chủ động cao hơn, mang tính kế thừa và phát triển, theo đúng phương châm “động và mở”, thường xuyên rà soát, bổ sung, làm cơ sở để các cấp ủy lựa chọn bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Khắc phục triệt để những sai phạm trong công tác cán bộ đã được Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận…

Có thể khẳng định, những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định sự đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; là động lực quan trọng để phát triển Quảng Nam nhanh, bền vững hơn nữa trong thời gian tới. Hiện nay, vị thế của tỉnh ngày càng được khẳng định và có một số chỉ tiêu cơ bản đạt tỉnh khá của cả nước. 

Lấy cơ chế mở làm tư tưởng đột phá xuyên suốt

Để trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, Quảng Nam đã đề ra các nhóm chỉ tiêu chủ yếu cho giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm từ 7,5 - 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 từ 110 - 113 triệu đồng.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 37%; trong đó, phấn đấu xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025, từng bước xây dựng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Quảng Nam cũng phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87%; Thu nhập bình quân đầu người tính theo thu nhập thực tế đến năm 2025 từ 68 - 70 triệu đồng. Đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm bợ…

Một góc đô thị cổ Hội An.
 Một góc đô thị cổ Hội An.

Hiện thực hóa mục tiêu trên, Quảng Nam đã đề ra mười bốn nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức, cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh ba nhiệm vụ đột phá chiến lược: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo của Quảng Nam là phát triển mạnh kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển của tỉnh. Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu phi thuế quan...

Lấy cơ chế mở làm tư tưởng đột phá xuyên suốt và được xem xét điều chỉnh thích ứng với thị trường toàn cầu, đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của tỉnh và động lực kết nối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Phấn đấu xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm tài chính và dịch vụ logistics của vùng.

Thúc đẩy phát triển khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu công nghiệp Tam Hiệp, Tam Anh có quy mô ngang tầm khu vực, tạo ra sản phẩm ô tô có công nghệ phù hợp, đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, gắn với phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là ngành nghề cơ khí hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng và thiết bị công nghiệp; tiến đến hình thành Trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, làm động lực lan tỏa cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tỉnh cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là chuỗi liên kết du lịch đáp ứng bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển di tích, di sản, nhất là di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An…

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách tư pháp, tỉnh phấn đấu tạo sự chuyển biến hơn nữa để giữ vững ổn định xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ luật, kỷ cương, liêm chính. Phát huy vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, Quảng Nam cũng tổ chức thực hiện tốt và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương. Xây dựng mối quan hệ gắn bó đối với các tỉnh, thành phố trong vùng để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Tổ chức tốt các hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư, thương mại; quan tâm xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI, các tổ chức quốc tế cho vay và tài trợ triển khai các dự án ODA…

Song song với những nhiệm vụ trên, Quảng Nam cũng không quên phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, nhân cách tốt đẹp của con người Quảng Nam; khơi dậy khát vọng vươn lên, cống hiến cho cộng đồng, đất nước. Đồng thời ban hành các chủ trương, đề án phát triển sự nghiệp văn hóa, con người Quảng Nam trong tình hình mới... 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 (diễn ra từ ngày 11 đến 13/10/2020) xác định chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước  vào năm 2030”.

Xác định Đại hội đảng bộ các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển. Đồng thời, yêu cầu các cấp ủy đảng lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn tại các dự thảo văn kiện trình Đại hội. 

Mặc dù trong quá trình chỉ đạo, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, Quảng Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của hai đợt cao điểm đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nhất định đến tiến độ đại hội, song với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, linh động, sáng tạo, đảm bảo an toàn, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi nền kinh tế; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025, với 753 chi bộ cơ sở; Đại hội cấp cơ sở với 392 chi bộ, đảng bộ, hoàn thành trong tháng 6/2020 và Đại hội cấp trên cơ sở hoàn thành ngày 2/8/2020, với 22/22 đảng bộ (vượt tiến độ thời gian theo kế hoạch đề ra 29 ngày).

Đọc thêm