Quảng Ninh: Nỗ lực giúp học viên yên tâm cai nghiện

(PLO) - Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội (GD-LĐXH) tỉnh Quảng Ninh, nơi đang điều trị cai nghiện cho trên 520 học viên, đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường công tác quản lý cai nghiện để không xảy ra tình trạng học viên cai nghiện tổ chức đập phá, chống đối cán bộ, nhân viên trung tâm, trốn ra ngoài gây mất trật tự an toàn xã hội.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc thăm và động viên học viên cai nghiện
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc thăm và động viên học viên cai nghiện

Theo ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Giám đốc Trung tâm GD-LĐXH tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tỉnh Quảng Ninh là một trong số rất ít tỉnh, thành trong cả nước có sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất tại Trung tâm GD-LĐXH, đáp ứng được yêu cầu về công tác cai nghiện hiện nay. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có cơ chế chính sách dành riêng cho đối tượng cai nghiện tự nguyện, điểm nhấn là Nghị quyết của HĐND tỉnh về “Chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện chữa trị, cai nghiện ma túy tại Trung tâm GD-LĐXH tỉnh giai đoạn 2015-2020”.

Tính đến giữa tháng 11/2016, Trung tâm GD-LĐXH tỉnh hiện điều trị cai nghiện cho trên 500 đối tượng, trong đó có 130 đối tượng cai nghiện bắt buộc, còn lại là đối tượng cai nghiện tự nguyện.

Những năm gần đây, đối tượng nghiện ma túy  tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn, trên 60% tổng số học viên cai nghiện tại trung tâm nên việc quản lý, điều trị cai nghiện ngày càng phức tạp và áp lực. Đặc biệt là vừa qua, một số các trung tâm cai nghiện ở phía Nam đã xảy ra tình trạng học viên cai nghiện đập phá trại, chống đối cán bộ, trốn trại gây mất trật tự an toàn xã hội.

Hiện tượng này có nhiều lý do, như: Cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải; đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của học viên; tâm lý đám đông. Trước tình trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Trung tâm GD-LĐXH tỉnh cũng đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường công tác quản lý cai nghiện để không xảy ra tình trạng tương tự.

Trước hết, Trung tâm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên của đơn vị. Trung tâm có 120 cán bộ, nhân viên, luôn đảm bảo ứng trực đủ quân số, luôn thực hiện nghiêm về kỷ cương, kỷ luật, rèn luyện tác phong, lời nói để các học viên tôn trọng.

Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc những quy định về mối quan hệ giữa cán bộ với học viên, gia đình học viên; kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong thời gian làm việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm cũng thường xuyên gần gũi trao đổi để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của học viên. Đồng thời giải thích, nâng cao nhận thức cho học viên vào trung tâm cai nghiện là được giúp đỡ chứ không phải là bị quản thúc, giam hãm.

Bên cạnh hỗ trợ điều trị cai nghiện, việc đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ học viên cai nghiện tại Trung tâm cũng được quan tâm chu đáo. Cùng với mức tiền ăn được hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, của tỉnh, các học viên Trung tâm tham gia lao động sản xuất, một phần giá trị sản phẩm sau thu hoạch sẽ được trích vào bữa ăn của học viên.

Hiện chế độ tiền ăn hàng ngày của học viên tại Trung tâm là 40.000 đồng/người/ngày, đây là mức cao so với các trung tâm cai nghiện khác trong cả nước. Cùng với đó, Trung tâm đã xây dựng thời gian biểu sinh hoạt, lao động sản xuất trị liệu, học nghề, văn hóa, thể thao của các học viên đảm bảo khép kín và linh hoạt.

Dự kiến, cuối tháng 11/2016, Trung tâm sẽ tổ chức gặp mặt gia đình các học viên. Đây là dịp để các gia đình được mục sở thị nơi ăn ở, tình trạng sức khỏe của con em mình. Qua đó, góp phần tuyên truyền tới các gia đình học viên và nhân dân trên địa bàn về công tác cai nghiện, chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện cũng như tăng cường sự phối hợp giữa trung tâm với gia đình để công tác cai nghiện ngày càng hiệu quả hơn.

Đọc thêm