Rộn ràng mùa lễ hội đầu năm ở Quảng Ninh

(PLVN)  Từ tháng Giêng, Quảng Ninh có rất nhiều lễ hội xuân đặc sắc, hoạt động lễ, hội diễn ra sôi động, đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em thu hút đông đảo du khách đến dâng hương cầu may mắn, lộc tài, bình an cho gia đình, người thân và vui chơi, du ngoạn trong dịp đầu năm mới.
Am - chùa Ngọa Vân được xem là "thánh địa" của Phật giáo Trúc Lâm.
Am - chùa Ngọa Vân được xem là "thánh địa" của Phật giáo Trúc Lâm.

Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử là một trong những lễ hội lớn nhất ở Quảng Ninh. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng giêng (tức ngày 3/2 dương lịch) và kéo dài hết tháng 3 âm lịch tại vùng núi Yên Tử  (thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) nhằm tôn vinh công đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người đã sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm. Lễ hội được bắt đầu bằng nghi lễ long trọng ở chân núi Yên Tử sau đó là lễ hành hương lên đỉnh cao nhất của Yên Tử là Chùa Đồng. 

Hơn 700 năm trước, vua Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo quân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên Mông đã từ bỏ ngai vàng về tu hành, lập nên Thiền Phái Trúc Lâm, dòng thiền đầu tiên và duy nhất có sư tổ là hoàng đế Việt Nam, ông sau đó đã xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành, từ đó Yên Tử trở thành trung tâm phật giáo của Việt Nam, quần thể di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Ngày nay, Yên Tử với những công trình kiến trúc đa dạng như chùa, tháp, am và những di vật cổ xưa quý giá thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn còn được lưu giữ đã tạo nên một giá trị lịch sử lớn lao và trở thành một bảo tàng văn hóa kiến trúc, động thực vật phong phú, mang đậm đà bản sắc dân tộc việt Nam.

Vào mỗi dịp xuân về, lễ hội Yên Tử là điểm đến của hàng vạn du khách, phật tử hành hương và người dân khu vực xung quanh tới để dâng hương cầu may mắn, lộc tài, bình an cho gia đình, người thân. Đồng thời là cơ hội để du khách khắp nơi đến tham quan, khám phá.

Lễ hội đền Cửa Ông

Hàng năm, Lễ hội Đền Cửa Ông tổ chức từ ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch (tức ngày 24/2 dương lịch). Lễ hội đền Cửa Ông còn được gọi là Hội đền Cửa Suốt được tổ chức nhằm tôn vinh công đức của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ 3 của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và nhiều tướng lĩnh nhà Trần có công đánh giặc và trấn ải vùng Đông Bắc.

Nghi thức rước Đức Ông xuất cung vi hành khu an ngự tại lễ hội đền Cửa Ông.
 Nghi thức rước Đức Ông xuất cung vi hành khu an ngự tại lễ hội đền Cửa Ông.

Lễ hội chính của đền Cửa Ông gồm 2 phần, đó là phần Lễ và phần Hội. Phần lễ bắt đầu với lễ dâng hương tại đền thượng, sau đó là lễ rước Đức Ông vi hành. Đoàn rước tượng bao gồm các đoàn đại biểu, hương tử sẽ rước tượng Đức Ông xuất phát từ sân chính tại đền Hạ sau đó ra miếu ở xã Trác Chân, tên tục là Vườn Nhãn (theo truyền thuyết là nơi Đức Ông hoá trôi dạt vào), tiếp tục đi dọc đường Nghinh Thần và quay về sân tổ chức lễ hội đền Cửa Ông tượng trưng cho cuộc du tuần của Đức Ông. 

Phần Hội được tổ chức ở đền Thượng và đền Hạ của đền Cửa Ông, với nhiều trò chơi dân gian như: tổ tôm điếm, kéo co, nấu cơm, têm trầu, soạn lễ, chọi gà, bịt mắt đập niêu… được đông đảo quần chúng tham gia, với ước nguyện cho một năm mới thật vui vẻ và nhiều sức khỏe.

Lễ hội đền Cửa Ông là dịp để nhân dân ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của ông cha ta, đồng thời gìn giữ và phát huy những nét đẹp về bản sắc văn hoá dân tộc.

Vào mùa hội đến, đền Cửa Ông đón du khách nườm nượp từ khắp mọi miền đất nước. Không chỉ hòa mình với không khí lễ hội trang nghiêm, vui chơi với những trò chơi truyền thống, du khách còn thưởng thức cảnh sắc sông nước hữu tình, nên thơ của vịnh Bái Tử Long.

Lễ hội Tiên Công

Lễ hội Tiên Công là một lễ hội lớn rất được mong chờ diễn ra trên vùng đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội được diễn ra hằng năm bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch (tức ngày 31/1 dương lịch).

Lễ hội Tiên Công nhằm tưởng nhớ công ơn của 17 vị Tiên Công từ kinh thành Thăng Long có công quai đê, lấn biển tạo dựng vùng đảo này, đồng thời là lễ hội thể hiện rõ nhất truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Nghi lễ rước cụ thượng lên miếu Tiên Công.
 Nghi lễ rước cụ thượng lên miếu Tiên Công.

Theo quan niệm dân gian của người dân, lễ hội Tiên Công còn được gọi là lễ mừng thọ để thể hiện lòng biết ơn đối với những tiền bối có công lập làng và cũng để bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ. Đây là một lễ hội đặc sắc, là phong tục tập quán riêng biệt đặc trưng của người dân thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.

Trong ngày diễn ra lễ hội, ngay từ sáng sớm đã có những đoàn rước cụ Thượng (cách gọi cung kính với các cụ trong làng trên 80 tuổi) đi theo nhịp trống khẩu cùng tiếng đàn nhạc của các phường bát âm. Đoàn rước đi vòng quanh làng và tiến về miếu Tiên Công tọa ở phường Cẩm La. Lễ vật đựng dâng lên có đầy đủ trầu cau, hoa quả, bánh dày, bánh dẻo, rượu hồng, đầu lợn,… Có cụ thì sức khỏe ung dung đi cùng giữa đoàn đông đảo con cháu, có cụ tuổi cao, sức khỏe yếu thì ngồi tren võng có đòn sơn tạc đầu rồng để thanh niên trai tráng trong làng khênh rước. Khi lễ xong cũng là thời gian để tổ chức các hoạt động vui chơi như hát đúm, hát chèo, đánh cờ, thể thao bóng chuyền...

Lễ hội Tiên Công được công nhận là lễ hội văn hóa cấp quốc gia nên thu hút không chỉ nhân dân địa phương mà còn rất nhiều khách du lịch mỗi năm tổ chức. 

Lễ hội Trà Cổ

Được đánh giá là lễ hội lớn và có giá trị bậc nhất, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Lễ hội được diễn ra hàng năm từ ngày 30 tháng 5 đến mùng 6 tháng 6 âm lịch tại đình Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Lễ hội Trà Cổ nhằm thể hiện lòng biết ơn cùng sự tưởng nhớ đối với các vị thành hoàng làng trong vùng và ý thức trách nhiệm, tham gia bảo vệ và xây dựng biên giới ngày càng giàu mạnh của người dân ở đây.

Ngay từ ngày 25 tháng 5 âm lịch, đã có đoàn thuyền rước từ Trà Cổ về quê tổ Ðồ Sơn. Đến ngày 30 tháng 5 âm bắt đầu diễn ra hội cũng là lúc thuyền từ Ðồ Sơn quay về đến Trà Cổ. Ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch, khởi đầu với lễ rước Vua ra bể (còn gọi là rước vua ra miếu), với nghi thức một đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bửu, sau đó là có người cầm cờ đặc biệt phải là người cường tráng trẻ đẹp và có đạo đức được làng bầu chọn từ cuối hội năm trước cùng những người khiêng kiệu. 

Hành trình lễ rước thần trong lễ hội đình Trà Cổ.
 Hành trình lễ rước thần trong lễ hội đình Trà Cổ.

Đặc biệt, trong lễ hội Trà Cổ còn có hội thi “Ông Voi” rất đặc sắc, là cuộc thi giữa 12 chú lợn tạ được 12 ông đám nuôi và chăm sóc - đại diện cho 12 vị tiên công đã có công tìm ra Trà Cổ xưa.

Ngoài ra, những hội thi làm cỗ, thi nấu ăn cũng rất được đông đảo người dân hưởng ứng, nếu có ai trong làng nấu ăn ngon thì cả làng đều biết. Vào những ngày từ mùng 4 trở đi, có rất nhiều các hoạt động, trò chơi dân gian thú vị khác như: kéo co, cờ tướng, nhảy bao bố, đi cà kheo, đẩy gậy, đặc biệt còn có môn đan lưới của những người ngư dân là một hoạt động hết sức thú vị, đem lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho khách đến tham gia. 

Cuối hội vào ngày mùng 6 có tổ chức múa bông là một hình thức cầu mong thần linh phù hộ ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, chăn nuôi trồng trọt cỏ cây tươi tốt, buôn bán làm ăn may mắn, phát đạt, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no.

Đọc thêm