Tác nhân nào khiến cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung?

(PLO) - Sau Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị “đến lượt” TT. Huế xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt và trôi dạt vào bờ.
Cá chết hàng loạt dọc bờ biển Bình An, xã Lộc Vĩnh
Cá chết hàng loạt dọc bờ biển Bình An, xã Lộc Vĩnh

Cá chết không rõ nguyên nhân

Những ngày gần đây câu chuyện được nhiều người dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh TT. Huế nhắc đến nhiều nhất chính là việc hàng nghìn con cá chết không rõ nguyên nhân và trôi dạt vào bờ biển của xã này.

Tại  khu vực Đập Tràng (xã Lộc Vĩnh), đập vào mắt chúng tôi là vô số những loài cá lớn nhỏ khác nhau nằm chết la liệt dưới nước. Do khu vực Đập Tràn nhỏ nên số cá chết này không trôi đi được nên đã tạo ra mùi hôi thối khó chịu.

Ông Nguyễn Xuân Thảo (57 tuổi, trú thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh) cho biết, hiện tượng cá chết tại xã này bắt đầu xuất hiện từ ngày 16/4, ban đầu chỉ có cá nhỏ chết đến vài ngày sau thì hiện tượng cá lớn chết cũng xảy ra.

Ông Thảo cho biết thêm, sáng 19/4 một vài người dân khi ra khu vực Đập Tràn thì vẫn thấy cá trong đập này, thế nhưng khi đến trưa thì cá lại chết một cách bất thường và nỗi lên mặt nước. “Từ thưở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa bao giờ thấy cá chết như vậy, giờ ở xã ai cũng lo lắng”, ông Thảo nói.

Không những cá chết tại khu vực gần bờ mà cách bờ biển khoảng 4 đến 5 hải lý vẫn ghi nhận tình trạng nói trên. Lão ngư Nguyễn Văn Tạo (67 tuổi, thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) cho hay, giữa tháng 4 ông cùng với nhiều người khác ra biển đánh bắt thì bắt gặp cảnh cá chết hàng loạt, đến khoảng vài ngày sau thì số cá này bắt đầu trôi dạt vào bờ.

Vì thấy số cá chết trôi vào bờ quá nhiều nên người dân ở đây đã nhặt về để ăn, có ngày nhặt đến hơn 10kg. Số cá chết không ăn được sẽ được dân ở đây nhặt về cho vịt.

Nười dân tại thôn Phú Hải và Bình An vốn sống bằng nghề đánh bắt cá, tuy nhiên gần 1 tuần trở lại đây mỗi khi ra khơi thì các ngư dân lại tay trắng trở về vì chỉ toàn cá chết. “Trước đây đánh bắt cũng được, nhưng mấy ngày trở lại đây ra khơi thì toàn gặp cá chết nên không bắt được gì. Có những người thấy cá chết nhiều quá nên bây giờ đã treo thuyền không đi nữa”, ông Tạo ngao ngán cho biết.

Sau khi xuất hiện tại vùng biển của huyện Phú Lộc, hiện tượng cá chết cũng đã bắt đầu xuất hiện tại vùng biển thuộc các xã của huyện Quảng Điền – tỉnh TT. Huế.

Điều đáng nói rằng số cá chết bất thường nói trên không chỉ xảy ra tại tỉnh TT. Huế mà xảy ra dọc theo bờ biển miền trung.

Cá chết do nước biển bị ô nhiễm ?

Sau khi nhận được tình trạng trên, Sở NN&PTNT các tỉnh từ Hà Tỉnh đến TT. Huế đã khẩn trương vào cuộc để kiểm tra việc cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh TT. Huế, trong những ngày qua từ 15/4/2016 đến 18/4/2016, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra tình trạng cá biển trong môi trường tự nhiên và cá nuôi lồng (chủ yếu cá Giò, cá Vẩu) ở các khu vực cửa biển Lăng Cô, Lạch Giang (Lộc Vĩnh) chết hàng loạt. Một số vùng nuôi tôm chân trắng cũng bị ảnh hưởng do lấy nước biển cấp vào cho ao nuôi. Ngoài vùng biển thuộc huyện Phú Lộc hiện tượng cá chết còn được ghi nhận tại vùng biển thuộc huyện Quảng Điền.

Báo cáo của Sở NN&PTNT Huế cho biết, cá tự nhiên chết tại khu vực ven biển và cửa biển Thị Trấn Lăng Cô, ven biển và cửa biển sông Lạch Giang xã Lộc Vĩnh huyện Phú Lộc; cá nuôi lồng (chủ yếu cá Giò, cá Vẩu)  tại khu vực đầm Lập An – Thị Trấn Lăng Cô, vị trí gần cửa biển.  

Một số loại cá tự nhiên chết phổ biến như Cá đuối, cá Ong Căn, cá Nhồng măng, cá Nhói xanh, ngoài ra cá nuôi lồng như cá Giò, cá Vẩu… Bà con trong khu vực nuôi cá lồng cho biết, khi nước thủy triều dâng lên thì hiện tượng này mới xảy ra.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh TT. Huế  cho biết, dấu hiệu cá chết không có biểu hiện bệnh ở phần phụ, mang và nội tạng. Tuy nhiên chất lượng nước tại thời điểm kiểm tra có nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể, chất lượng nước phú dưỡng (PO4 theo thỉ tiêu cho phép tối đa là 0,5 mg/lít, nhưng tại thời điểm đo là 1 mg/lít) làm tăng độ pH; so sánh với độ pH vùng đầm phá và ven biển qua các năm thường biến động từ 7,5-8,3. Đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt do pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao.

Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, mùa có cá rò trôi là nước xấu, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiết oxy cộc bộ làm cho cá chết nhanh.

Nói về nguyên nhân cá chết, ông Bình đưa ra nhận định có thể đã có một tác nhân lớn nào đó đã ảnh hưởng đến môi trường nước biển. Về tác nhân này, ông Bình cho hay không có việc con người làm cho nguồn nước ô nhiễm vì biển quá rộng con người khó có thể làm điều này.

Trước tình hình trên, Chi cục Quản lý thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh TT. Huế) đưa ra khuyến cáo cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản thuộc vùng biển có cá chết các biện pháp để ổn định tình hình.

Đối với những hộ có cá chết các hộ nuôi tạm thời di chuyển lồng nuôi đến khu vực nước sâu, trong sạch, không có xảy ra hiện tượng cá chết. Treo túi vôi các góc lồng để ổn định pH và lắng lọc chất hữu cơ lơ lững trong môi trường.

Với các hộ đang nuôi không bị ảnh hưởng cá chết nuôi lồng nổi cách đáy ít nhất 50 cm hoặc bè nổi để dễ di chuyển khi môi trường có nhiều biến động (hiện bà con nuôi lồng cắm sát đáy khó di chuyển, dễ bị ảnh hưởng bởi các khí độc từ đáy lồng bốc lên khi nhiệt độ tăng cao). Thả nuôi mật độ vừa phải, bình quân tối đa 30 con/m2 (hiện nay bà con thả mật độ quá cao).

Đọc thêm