Tập trung gỡ khó cho các dự án điện gió

(PLVN) - Với chủ trương phát triển năng lượng sạch, các dự án điện gió đang được gấp rút triển khai tại Bạc Liêu. Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án điện gió đang gặp những khó khăn tiềm ẩn nguy cơ làm chậm tiến độ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, với cả 3 dự án Hòa Bình 1 giai đoạn 1, Hòa Bình 1 giai đoạn 2 và Hòa Bình 2 (dự án điện gió trên biển) đều được đấu nối vào lưới điện quốc gia thông qua tuyến đường dây 110 kV Hòa Bình - Đông Hải và Hòa Bình - Bạc Liêu 2 do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng 2 tuyến đường dây này có nguy cơ bị chậm và không hoàn thành kịp thời với tiến độ nối lưới 3 dự án đặc biệt là dự án Điện gió Hòa Bình 1 giai đoạn 1 có kế hoạch đóng điện vào quý 2/2021. 

Tại vị trí nối lưới, Trạm biến áp 110 kV Hòa Bình nếu triển khai xây dựng không kịp tiến độ đồng bộ với tiến độ của xây dựng dự án sẽ gây khó khăn khi nhà máy được xây dựng hoàn thành nhưng không thể nối lưới.

Kỳ 1: Nguy cơ chậm tiến độ vì không đáp ứng được vận tải siêu trường, siêu trọng

Dự án nhà máy điện gió Đông Hải 1 giai đoạn 2 (dự án điện gió trên biển) do Công ty cổ phần Năng lượng Bắc Phương làm chủ đầu tư đang được nối vào lưới điện quốc gia thông qua tuyến đường dây 110 kV Hòa Bình - Đông Hải và Hòa Bình - Bạc Liêu 2 do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng 2 tuyến đường dây này có nguy cơ bị chậm, đề nghị tỉnh Bạc Liêu xem xét, hỗ trợ và có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam gấp rút triển khai thi công, hoàn thành đóng điện tuyến đường dây lộ ra 110 kV Giá Rai - Đông Hải và tuyến dây 110 kV Hòa Bình–Bạc Liêu 2 trước ngày 30/9/2021 để đảm bảo truyền tải điện các nhà máy điện gió trong khu vực.

Còn đối với các dự án điện gió trên đất liền như dự án nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 và dự án nhà máy điện gió Hòa Bình 5 giai đoạn 1, khó khăn nhất là việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng, trong khi hạ tầng của khu vực dự án lại không đảm bảo. Ngoài ra, việc liên hệ thuê cảng Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) để trung chuyển thiết bị cũng chưa được nên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các Sở, ngành trong tỉnh khảo sát dự án điện gió tại địa bàn huyện Đông Hải (Bạc Liêu).
 Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các Sở, ngành trong tỉnh khảo sát dự án điện gió tại địa bàn huyện Đông Hải (Bạc Liêu).

Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay các dự án điện gió trên địa bàn đều đang khẩn trương thi công đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, có hai dự án đang gặp khó khăn về việc vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Trong đó, dự án nhà máy Điện gió Kosy đã hoàn thành đường giao thông với chiều dài 4,5 km, hoàn thành đào khuôn đường cho toàn tuyến, đã hoàn thành san nền khu vực nhà điều hành, khu vực trạm biến áp. Nhưng hiện dự án chưa được UBND tỉnh chấp thuận về phương án vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng trên đường bộ (từ cảng Nhà Mát đến khu vực thi công dự án).

Đồng thời, chưa được chấp thuận của cơ quan chủ quản bến cập tàu Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu) về việc cho thuê/sử dụng trong quá trình trung chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng.

Còn đối với dự án nhà máy điện gió Hòa Bình 5 giai đoạn 1, nhà đầu tư cũng gặp phải khó khăn trong công tác vận chuyển, do giới hạn tổng tải trọng của phương tiện vận chuyển không vượt quá 16 tấn, tuyến đường bê tông tải trọng cho phép lưu thông là 8 tấn, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công.

Bên cạnh đó, các đường tạm chưa được gia cố và không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công.

Trước kiến nghị của nhà đầu tư, ông Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu cho biết: Do cơ sở hạ tầng của tỉnh còn hạn chế, thực tế tuyến Giồng Nhãn-Gành Hào đi vào tải trọng đường chỉ thiết kế 10 tấn, còn cầu tối đa là 30 tấn, nhưng kiến nghị vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng tối thiểu là 60 tấn và tối đa là 160 tấn thì không thể nào đáp ứng được.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Dũng, Sở Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan cùng với địa phương và nhà đầu tư tiến hành khảo sát các phương án vận chuyển. Sau đó, có thống nhất nạo vét kênh phù hợp để phương tiện cập vào đê biển và vận chuyển trên tuyến đường nội bộ của từng đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ thêm: Đến nay, vẫn chưa thấy phương án khảo sát từ phía chủ đầu tư như thế nào, tỉnh rất muốn tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, vận tải siêu trường, siêu trọng thì không thể đáp ứng được.

Một dự án điện gió Bạc Liêu khởi công ngày 9/9/2010, do Công ty THHN Xây dựng – Thương mại và Du lịch Công (Cà Mau) làm chủ đàu tư đã hoàn thành với quy mô công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu kWh/năm, vốn đầu tư 5.217 tỷ đồng.
 Một dự án điện gió Bạc Liêu khởi công ngày 9/9/2010, do Công ty THHN Xây dựng – Thương mại và Du lịch Công (Cà Mau) làm chủ đàu tư đã hoàn thành với quy mô công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu kWh/năm, vốn đầu tư 5.217 tỷ đồng.

Cũng theo các nhà đầu tư, vướng mắc gặp phải nhiều nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng thi công móng trụ tua bin; trụ đường dây dẫn, hành lang tuyến đường dây, như dự án nhà máy điện gió Hòa Bình 5 giai đoạn 1, hiện nay còn 22 hộ thuộc các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Mỹ A chưa nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, gây khó khăn cho quá trình thi công.

Dự án nhà máy điện gió Hòa Bình 2 cũng gặp vướng mắc về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ; phương án đền bù hỗ trợ đến bãi nghêu của các hộ dân của hợp tác xã Đồng Tiến chưa được thống nhất và hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và hợp tác xã.

Nhân dịp đầu năm Tân Sửu 2021, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các Sở ngành của tỉnh đã có chuyến đi khảo sát, kiểm tra các dự án điện gió tuyến biển (thuộc vùng Nam Quốc lộ 1A) để ghi nhận và lắng nghe những ý kiến từ các nhà đầu tư điện gió đang triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu trước các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh dù chịu tác động lớn của dịch bệnh COVID-19. Qua đó, cho thấy sự quyết tâm của các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án.

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu hết sức chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư đã gặp phải trong quá trình thi công, triển khai thực hiện các dự án. Thông qua buổi gặp gỡ và đi khảo sát thực tế của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tại các dự án điện gió, Tỉnh ủy, UBND Bạc Liêu sẽ sớm có hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư đang gặp phải, để các dự án sớm triển khai, thực hiện đạt hiệu quả cao nhất và các nhà máy điện gió được đi vào vận hành theo kế hoạch đã đề ra.

Các dự án Nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thi công: Đông Hải 1 - gia đoạn 1 (khoảng 2.945 tỷ đồng); Đông Hải 1 – giai đoạn 2 (khoảng 2.785 tỷ đồng); Hòa Bình 1 – giai đoạn 1 (2.803 tỷ đồng); Hòa Bình 1 – giai đoạn 2 (khoảng 2.400 tỷ đồng); Hòa Bình 2 (khoảng 2.666 tỷ đồng); KoSy – Bạc Liêu – giai đoạn 1 (khoảng 1.598 tỷ đồng); Hòa Bình 5 – giai đoạn 1 (khoảng 3.200 tỷ đồng). 

Kỳ 2: Những giải pháp gỡ khó cho nhà đầu tư điện gió 

Đọc thêm